Tổng số vụ mua bán vũ khí quốc tế nói chung đã giảm trong 5 năm qua, nhưng nhập khẩu vũ khí lại tăng mạnh ở các quốc gia khắp châu Á và châu Đại Dương. Các chuyên gia nhìn nhận, xu hướng gia tăng này có liên quan đến sự kết hợp giữa quan ngại về việc Trung Quốc ngày càng chú trọng phát triển quân đội cùng với các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Embed from Getty Images

Máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh minh họa: Getty Images)

Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận mức gia tăng đáng kể trong nhập khẩu vũ khí chính trong giai đoạn 2017-2021 so với 2012-2016, theo một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Nhập khẩu vũ khí tại Úc tăng 62%, tại Hàn Quốc tăng 71% và ở Nhật Bản tăng 152%. Những số liệu này đã phản ánh sự căng thẳng đang diễn ra với chế độ cộng sản Trung Quốc trên khắp châu Á và châu Đại Dương.

Ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI nhận định: “Căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương là động lực chính thúc đẩy nhập khẩu vũ khí trong khu vực. Đây cũng là một yếu tố chính dẫn đến việc Mỹ chuyển giao vũ khí cho khu vực.”

Xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ sang khu vực này là một phần quan trọng trong chiến lược hiện tại của quốc gia này nhằm duy trì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia chuyển giao lượng vũ khí lớn nhất cho Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Úc đã mua 50 máy bay chống ngầm chiến đấu 11 từ Mỹ, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đều mua máy bay chiến đấu F-35 và hệ thống phòng không tầm xa.

Theo báo cáo, châu Á và châu Đại Dương vẫn là khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất, chiếm 43% lượng chuyển giao vũ khí toàn cầu. Sáu nước trong khu vực nằm trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới gồm có Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan và Hàn Quốc. Khoảng 30% tổng lượng hàng nhập khẩu vào khu vực này đến từ Hoa Kỳ.

Gần đây, Hoa Kỳ đã nỗ lực tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác của mình trong khu vực. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của Washington đặt trọng tâm vào việc xây dựng các liên minh trong khu vực trước sự xâm lược của cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả việc Trung Quốc liên tục đe dọa quân sự đối với Đài Loan và các hành động thù địch với Ấn Độ.

Báo cáo cũng được công bố vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng.

Đầu tháng 3, bên trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xuất hiện nhiều cáo buộc về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc báo hiệu sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine, làm dấy lên lo ngại rằng Ukraine có thể trở thành một chiến trường mới của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trong khi đó, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và các nhà lãnh đạo tình báo quốc gia đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự thế giới mới.

Tuy nhiên, các quốc gia tăng cường nhập khẩu vũ khí không chỉ giới hạn ở châu Á và châu Đại Dương. Trên thực tế, mức tăng trưởng nhập khẩu vũ khí lớn nhất là ở châu Âu, khi Anh, Na Uy và Hà Lan dẫn đầu việc tích trữ vũ khí mới ở phương Tây.

Ông Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI khẳng định: “Mối quan hệ đang xấu đi nghiêm trọng giữa hầu hết các quốc gia châu Âu, và Nga chính là động lực quan trọng thúc đẩy nhập khẩu vũ khí của châu Âu, đặc biệt là đối với các quốc gia không thể đáp ứng yêu cầu thông qua ngành công nghiệp vũ khí quốc gia của họ.”

Đáng chú ý, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga hiện đang chiếm hơn ba phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu. Nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất là Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện đang giữ vị trí thứ tư.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)