Từ sau Chiến tranh Lạnh, Đông Âu đang chứng kiến ngành công nghiệp vũ khí phát triển với tốc độ chưa từng thấy khi súng, đạn pháo, và các quân trang quân bị khác được bán sang Ukraine, theo Reuters đưa tin.

shutterstock 2190493467
Szczecin, Ba Lan-tháng 7/2022: BORSUK, xe chiến đấu bộ binh hiện đại là sản phẩm PGZ mới nhất do Huta Stalowa Wola phát triển. (Nguồn: Mike Mareen/ Shutterstock)

Ngoài ra, kho vũ khí của các thành viên EU cũng vơi dần khi phải liên tục cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Kyiv kể từ khi cuộc chiến nổ ra vào 24/2. Đó cũng là nhu cầu cần được bổ sung về vũ khí.

Hoa Kỳ và Anh đã giữ cam kết viện trợ quân sự trực tiếp nhất cho Ukraine trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 đến ngày 3/10, một Viện theo dõi Kinh tế Thế giới của Viện Kiel cho thấy, với Ba Lan ở vị trí thứ 3 và Cộng hòa Séc thứ 9.

Vẫn cảnh giác với Nga, “anh cả” của họ thời Xô Viết, một số quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw năm đó giờ coi việc giúp đỡ Ukraine là vấn đề có tính trách nhiệm về an ninh khu vực.

Khoảng một chục quan chức chính phủ và công ty cũng như các nhà phân tích đã nói chuyện với Reuters và cho biết rằng chiến tranh cũng có phương diện tốt, đó là những cơ hội mới cho ngành công nghiệp vũ khí.

“Thực tế là chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, đồng thời, thái độ rõ ràng của nhiều quốc gia đang muốn tăng ngân sách quốc phòng, như vậy bây giờ là cơ hội thực sự để thâm nhập thị trường mới và tăng doanh thu xuất khẩu trong những năm tới,” ông Sebastian Chwalek, Giám đốc điều hành PGZ của Ba Lan cho hay.

PGZ là công ty của nhà nước và kiểm soát hơn 50 công ty sản xuất vũ khí và đạn dược —từ xe vận chuyển bọc thép đến hệ thống máy bay không người lái— và nắm giữ cổ phần trong hàng chục công ty khác.

Ông Chwalek nói với Reuters rằng họ hiện có kế hoạch đầu tư tới 8 tỷ zloty (1,8 tỷ USD) trong thập kỷ tới, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu trước chiến tranh. Trong đó gồm cả một số cơ sở mới nằm cách xa biên giới với Belarus (đồng minh của Nga) vì lý do an ninh, ông nói.

Các nhà sản xuất khác cũng đang tăng năng lực sản xuất và đua nhau thuê công nhân, theo các công ty và quan chức chính phủ từ Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc cho biết.

Ngay sau cuộc tấn công của Nga, một số quân đội và nhà sản xuất ở Đông Âu đã bắt đầu dọn sạch kho vũ khí và đạn dược từ thời Liên Xô mà người Ukraine đã quen thuộc, để đưa cho Kyiv, trong khi Kyiv chờ đợi thiết bị NATO từ phương Tây.

Ông Chwalek cho biết PGZ hiện sẽ sản xuất 1.000 hệ thống phòng không Piorun manpad di động vào năm 2023 —không phải tất cả cho Ukraine— so với 600 vào năm 2022 và khoảng 300 đến 350 trong những năm trước.

Công ty mà ông cho biết cũng đã cung cấp hệ thống pháo và súng cối, lựu pháo, áo chống đạn, vũ khí nhỏ và đạn dược cho Ukraine, có khả năng vượt qua mục tiêu doanh thu trước chiến tranh vào năm 2022 là 6,74 tỷ zloty.

Một số công ty và quan chức đã nói chuyện với Reuters từ chối cung cấp chi tiết cụ thể về nguồn cung cấp quân sự cho Ukraine, và một số không muốn được xác định danh tính, với lý do nhạy cảm về an ninh và thương mại.

Lịch sử công nghiệp vũ khí

Ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu có từ thế kỷ 19, khi Emil Skoda người Séc bắt đầu sản xuất vũ khí cho Đế quốc Áo-Hung.

Dưới chế độ Cộng sản, các nhà máy khổng lồ ở Tiệp Khắc, nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai của Hiệp ước Warsaw, Ba Lan và các nơi khác trong khu vực đã giúp người dân có việc làm, sản xuất vũ khí cho Chiến tranh Lạnh.

“Cộng hòa Séc là một trong những cường quốc xuất khẩu vũ khí và chúng tôi có nhân sự, cơ sở vật chất và dây chuyền sản xuất cần thiết để tăng công suất”, Đại sứ NATO của Cộng hòa Séc Jakub Landovsky nói với Reuters.

“Đây là cơ hội rất tốt khi Séc gia tăng nhu cầu sau khi cung cấp cho Ukraine những kho vũ khí cũ từ thời Liên Xô. Qua các thương vụ này, chúng tôi có thể biểu hiện cho các quốc gia khác thấy rằng chúng tôi có thể là một đối tác đáng tin cậy trong ngành công nghiệp vũ khí.”

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cho biết: “Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 và sự mở rộng của NATO vào khu vực đã thúc đẩy các công ty hiện đại hóa, nhưng họ vẫn có thể nhanh chóng sản xuất những thứ như đạn dược phù hợp với hệ thống của Liên Xô”.

Các chuyến giao hàng tới Ukraine bao gồm đạn pháo theo chuẩn cỡ nòng “Phương Đông”, chẳng hạn như đạn lựu 152mm và tên lửa 122mm, thì các công ty phương Tây trước đây không sản xuất, các quan chức và công ty cho biết.

Họ cho biết Ukraine đã mua vũ khí và thiết bị thông qua quyên góp từ các chính phủ và hợp đồng thương mại trực tiếp giữa Kyiv và các nhà sản xuất.

Không chỉ là kinh doanh

Christoph Trebesch, giáo sư tại Viện Kiel, cho biết: “Các nước Đông Âu hỗ trợ Ukraine một cách đáng kể. Đồng thời, đây là cơ hội để họ xây dựng ngành công nghiệp sản xuất quân sự của mình.”

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Séc Tomas Kopecny nói với Reuters rằng Ukraine đã nhận được gần 50 tỷ koruna (2,1 tỷ USD) vũ khí và thiết bị từ các công ty của Séc, khoảng 95% trong số đó là giao hàng thương mại. Ông cho biết, xuất khẩu vũ khí của Séc năm nay sẽ cao nhất kể từ năm 1989, với nhiều công ty trong lĩnh vực này tăng thêm việc làm và năng lực.

“Đối với ngành công nghiệp quốc phòng Séc, thì chiến tranh ở Ukraine, và những nỗ lực hỗ trợ nó, đã sự thúc đẩy thị trường vũ khí chúng tôi chưa từng thấy trong 30 năm qua,” ông Kopecny nói.

David Hac, giám đốc điều hành của Tập đoàn STV của Séc, đã nói sơ qua cho Reuters kế hoạch bổ sung dây chuyền sản xuất đạn cỡ nhỏ mới và cho biết họ đang xem xét mở rộng năng lực cỡ nòng lớn. Ông nói, trong một thị trường lao động khan hiếm, công ty đang cố gắng lôi kéo công nhân từ ngành công nghiệp ô tô đang chậm lại.

Doanh số bán hàng quốc phòng đã giúp Tập đoàn Czechoslovak, công ty sở hữu các công ty như Excalibur Army, Tatra Trucks và Tatra Defence, đã tăng gần gấp đôi doanh thu nửa đầu năm so với một năm trước đó, lên 13,8 tỷ koruna.

Người phát ngôn Andrej Cirtek nói với Reuters rằng công ty đang tăng cường sản xuất cả đạn cỡ nòng 155mm NATO và 152mm phương Đông, đồng thời tân trang lại các phương tiện chiến đấu bộ binh và xe tăng T-72 thời Liên Xô.

Ông cho biết việc cung cấp cho Ukraine không chỉ là một hoạt động kinh doanh tốt.

Ông Cirtek cho biết: “Sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, việc giao hàng của chúng tôi cho quân đội Ukraine đã tăng lên gấp bội.”

“Phần đông người dân Séc vẫn còn ký ức thời kỳ Nga chiếm đóng đất nước chúng tôi trước năm 1990, và chúng tôi không muốn thấy quân đội Nga đến gần biên giới của chúng tôi hơn.”

Thiên Đức, theo Reuters