Hôm 23/3 vừa qua, Đức và Thụy Điển đều thông báo sẽ gửi hàng nghìn vũ khí chống tăng tới Ukraine trong bối cảnh nước này đang bị Nga tấn công.

vũ khí chống tăng
(Ảnh minh họa: Beautiful landscape/Shutterstock)

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã yêu cầu lực lượng vũ trang cung cấp thêm cho Ukraine 2.000 vũ khí chống tăng từ kho dự trữ của nước này. Trước đó, Ukraine đã nhận được 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không vác vai Strela từ Đức.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist cho biết nước này sẽ gửi thêm 5.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine ngoài 5.000 vũ khí đã gửi trước đó.

Cả 2 quốc gia nêu trên đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine. Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và đầu tư 113 tỷ USD vào vũ khí, như máy bay không người lái của Israel và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Thụy Điển đã tăng đều đặn ngân sách quân sự kể từ năm 2014 và gần đây cũng tuyên bố sẽ tăng chi tiêu lên mức 2% GDP càng sớm càng tốt, tức là tăng khoảng 1/3 so với mức hiện tại.

Hôm 19/3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thừa nhận rằng nước này đã cạn kiệt kho vũ khí sau khi viện trợ cho Ukraine. Canada là một trong những quốc gia phương Tây đã cung cấp cho Kyiv vũ khí gây sát thương. Cho đến nay, quốc gia này đã hoặc đang gửi 4.500 bệ phóng tên lửa, 7.500 lựu đạn cầm tay, 100 bệ phóng chống tăng với 2.000 viên đạn, hai máy bay vận tải đa năng C-130J và nhiều loại khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thông báo rằng ngoài việc gửi các hệ thống vũ khí chống tăng, đạn dược và các thiết bị quốc phòng như áo giáp và thiết bị nhìn đêm, Canada cũng sẽ gửi 1.600 chiếc áo chống đạn và khoảng 400.000 gói bữa ăn cá nhân.

Phan Anh (tổng hợp)