Thứ  Hai (ngày 11/1), ông Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX đã nhận định rằng nhiều người sẽ không hài lòng về Big Tech trong khi đề cập đến hành động kiểm duyệt tài khoản của Tổng thống Donald Trump của những tập đoàn này.

Embed from Getty Images

Đáp lại một bài báo châm biếm có tiêu đề “Kẻ độc tài phát xít xấu xa bị kiểm duyệt và bị bỏ phiếu bãi nhiệm” (Evil Fascist Dictator Censored And Voted Out Of Office), ông Elon Musk đã phản hồi trên Twitter: “Nhiều người sẽ cực kỳ không hài lòng với việc các tập đoàn công nghệ cao ở Bờ Tây đang [tự ý] toàn quyền kiểm soát tự do ngôn luận.”

Bài báo trên được đăng tải bởi The Babylon Bee, một trang web nổi tiếng về chủ đề châm biếm.

Khi một người dùng Twitter bình luận: “[Các tập đoàn] công nghệ cao ở Bờ Tây phải phân biệt rõ giữa việc cấm những phát ngôn gây thù hận và việc cấm những phát ngôn mà chính họ (các tập đoàn này) thù hận”, ông Elon Musk đã phản hồi: “Đây là một sự khác biệt quan trọng.”

Một tài khoản khác cũng bình luận trên Twitter: “Một kẻ độc tài sẽ không bị kiểm duyệt. Mà chính là kẻ độc tài làm công việc kiểm duyệt…”

Nhận định của ông Elon Musk được đưa ra sau khi các tập đoàn Big Tech kiểm duyệt và thậm chí là xóa tài khoản của Tổng thống Trump cũng như những người ủng hộ ông vào tuần trước, với lý do rằng những lời lẽ của tổng thống “kích động bạo lực” và là mối đe dọa đối với “nền dân chủ”.

Twitter đã đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump vào ngày 8/1. Facebook và Instagram cũng khóa tài khoản của Tổng thống “vô thời hạn”. Trong khi đó, Apple và Google đã xóa Parler, một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến được coi là giải pháp thay thế cho Twitter, khỏi các kho ứng dụng của họ. Amazon cũng tham gia vào nỗ lực hạ gục Parler bằng cách hủy cung cấp các dịch vụ lưu trữ web, điều này đã khiến Parler phải ngưng hoạt động trực tuyến cho đến khi tìm được một máy chủ khác.

Parler đã bị các công ty công nghệ này chỉ trích vì cho phép đăng tải nội dung “nguy hiểm và có hại”. Big Tech biện minh cho việc ngang nhiên loại bỏ sự cạnh tranh của mình với cái cớ rằng họ quan tâm đến an toàn của công chúng.

Một ngày trước khi Twitter hành động, bà Michelle Obama đã công khai kêu gọi Big Tech cấm Tổng thống Trump vĩnh viễn.

Bà tuyên bố: “Hiện tại là thời điểm các công ty ở Thung lũng Silicon ngừng tiếp tay cho hành vi quái dị này – và thậm chí tiến xa hơn những gì họ đã làm bằng cách cấm vĩnh viễn người đó khỏi các nền tảng và đưa ra những chính sách để ngăn chặn việc công nghệ của họ bị các nhà lãnh đạo quốc gia sử dụng để châm ngòi cho những cuộc bạo loạn.”

Động thái của Big Tech đang dấy lên tranh cãi lớn. Những người đồng tình nói các tập đoàn này là những công ty tư nhân và họ có quyền làm như vậy. Phía phản đối thì lập luận rằng ngay cả các nhà độc tài đàn áp thô bạo dân chúng của đất nước họ như Nicolas Maduro của Venezuela và Hassan Rouhani của Iran vẫn có thể sử dụng Twitter, nhưng Tổng thống Trump thì không thể.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã lên án hành vi kiểm duyệt, một số người gọi đây là sự lạm quyền và là mối đe dọa đối với tự do chính trị. Nhiều người cũng chỉ trích Big Tech đã chung tay để ‘bịt miệng’ những ai bất đồng chính kiến ​​và tiêu diệt sự cạnh tranh công bằng.

Signal, Telegram, Gab và các ứng dụng nhắn tin cũng như các công ty truyền thông xã hội khác đã thu hút được rất nhiều người dùng mới sau lệnh cấm của Tổng thống Trump.

Ngày 7/1, ông Elon Musk kêu gọi mọi người Hãy sử dụng Signal trên Twitter, sau một báo cáo cho biết WhatsApp đã yêu cầu người dùng chia sẻ dữ liệu với Facebook, công ty mẹ sở hữu WhatsApp.

Signal là một công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn. Sau bình luận của ông Elon Musk, giá cổ phiếu của công ty này đã tăng vọt vào ngày 11/1.

Ông Musk cũng tiết lộ rằng 1 năm trước ông đã tài trợ cho Signal và “sẽ tài trợ nhiều hơn nữa”.

Ông Elon Musk đã trở thành người giàu nhất thế giới trong tháng 1 này với giá trị tài sản ròng hơn 185 tỷ đô la, vượt qua ông Jeff Bezos, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Amazon.

Vy An (t/h)

Xem thêm: