Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền, thúc ép nước này tôn trọng “pháp quyền”, đồng thời cáo buộc chế độ Trung Quốc cố tình “vi phạm một cách có hệ thống” các quyền dân sự và chính trị.

Embed from Getty Images

Trích dẫn tên của các luật sư nhân quyền Trung Quốc được cho là đã bị giam giữ hoặc mất tích, Phái đoàn EU tại Trung Quốc kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ, thúc giục Bắc Kinh “điều tra kỹ lưỡng” và cho phép những luật sư này được xét xử công bằng.

“Những người bị giam giữ cần được đảm bảo quyền tiếp cận với luật sư do họ lựa chọn, hỗ trợ y tế và gặp các thành viên gia đình của họ,” phái đoàn nhân mạnh trong tuyên bố Ngày Nhân quyền Quốc tế hôm 10/12.

Các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc cho biết, cảnh sát đã ngăn họ rời khỏi nhà trong tuần này trước các sự kiện Ngày Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về dân chủ kéo dài hai ngày mà không mời Trung Quốc và Nga.

AFP trích dẫn lời luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang): “Họ nói thẳng với chúng tôi rằng có hai lý do, một là hội nghị thượng đỉnh về dân chủ ở Hoa Kỳ, và họ cũng lo lắng rằng chúng tôi sẽ tham gia Ngày Nhân quyền Thế giới.”

Luật sư Vương bị bắt vào tháng 7/2015 trong một cuộc đàn áp toàn quốc nhằm vào hàng trăm nhà hoạt động và luật sư. Đến tháng 1/2019, ông bị kết án 4 năm rưỡi tù vì tội ‘lật đổ quyền lực nhà nước’ – một tội danh mà Bắc Kinh thường áp đặt cho những người bất đồng chính kiến.

Ông Vương được trả tự do vào ngày 5/4/2020 sau khi mãn hạn tù, bao gồm cả thời gian bị giam giữ trước khi xét xử. Ông được đưa về quê nhà ở thành phố Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, để cách ly trong 14 ngày, trước khi được đoàn tụ với gia đình ở Bắc Kinh vào ngày 28/4. [add1]

Số lượng án tử hình và hành quyết ước tính của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với tất cả các quốc gia khác cộng lại, vốn cũng được áp dụng trong các trường hợp bất bạo động. Thực trạng này khiến Liên minh Châu Âu phải lên tiếng kêu gọi Trung Quốc giảm số lượng tội phạm hình sự có thể bị trừng phạt tử hình.

Phái đoàn EU mô tả hình phạt tử hình là “vô nhân đạo” và không cần thiết, thúc giục Trung Quốc thực hiện lệnh cấm hành quyết và cuối cùng là bãi bỏ án tử hình.

“Trung Quốc nên ngừng việc giám sát dân cư ở những khu vực nhất định, điều này đã bị Liên Hợp Quốc lên án hay gắt. Ngoài ra, cũng phải chấm dứt việc tra tấn, đối xử vô nhân đạo, sỉ nhục hoặc trừng phạt những người bị giam giữ để lấy được những lời thú tội cưỡng bức và công khai.”

EU cũng cáo buộc Trung Quốc “cố tình vi phạm một cách có hệ thống” các quyền dân sự và chính trị. Họ lưu ý rằng, đã có báo cáo về vấn nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, thường liên quan đến các tù nhân thuộc nhóm thiểu số hoặc những người dễ bị tổn thương.

“Cưỡng bức thu hoạch nội tạng là một hành vi phạm tội, vô nhân đạo và phi đạo đức, và phải chấm dứt.”

Theo phái đoàn EU, các vụ bắt giữ hàng loạt người thiểu số ở Tân Cương và “các báo cáo dựa trên bằng chứng” về lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại. Họ đề nghị cần phải có một đánh giá độc lập về tình hình nhân quyền trong khu vực nói trên.

“EU và các nước thành viên sẵn sàng can dự vào Trung Quốc để thúc đẩy tôn trọng pháp quyền và nhân quyền, phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế,” Đại sứ EU tại Trung Quốc bình luận trên Twitter.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: