Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng cho ​​bỏ phiếu vào thứ Năm (20/5) để thông qua kiến ​​nghị đóng băng thỏa thuận đầu tư đã ký giữa EU và Trung Quốc. Hôm thứ Tư, Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thúc giục Nghị viện EU sớm thông qua thỏa thuận đầu tư.

liên minh châu âu
Trụ sở liên minh châu Âu (Ảnh từ Wikimedia)

Nguồn tin dẫn từ hãng truyền thông Politico của Mỹ cho biết về nội dung dự thảo kiến nghị nhằm thúc đẩy EU tăng cường phối hợp với Mỹ để ứng phó ĐCSTQ, nhấn mạnh mọi giao dịch thương mại nào với Đài Loan không nên bị kiềm chế bằng giao dịch với Bắc Kinh.

Dự thảo đã được nhóm chính trị lớn nhất châu Âu ủng hộ. Nghị viện EU cho biết, xét thấy ĐCSTQ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể châu Âu nên EU có lý do để đóng băng bất kỳ xét duyệt nào của “Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc” và bất kỳ cuộc thảo luận nào của Nghị viện EU về việc phê chuẩn thỏa thuận.

Động thái này tiếp tục kêu gọi Ủy ban châu Âu “Sử dụng cuộc tranh luận về Hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và EU như một con bài mặc cả để cải thiện việc bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc và hỗ trợ xã hội dân sự”.

Liên quan đến những lo ngại về lao động cưỡng bức ở Tân Cương, kiến ​​nghị nhắc lại yêu cầu EU nhanh chóng hoàn thành các cuộc tham vấn chuỗi cung ứng nhằm cung cấp cho các công ty hướng dẫn để họ hiểu những hậu quả có thể xảy ra nếu tiếp tục sử dụng các sản phẩm lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ, qua đó khẩn trương hỗ trợ xác định các nguồn cung ứng thay thế.

Reuters cho biết cuộc bỏ phiếu của Nghị viện EU dự kiến ​​diễn ra vào lúc 2:30 chiều (giờ GMT) ngày thứ Năm.

ĐCSTQ ngay lập tức có phản ứng về động thái của EU. Người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã thúc giục Nghị viện EU sớm phê chuẩn thông qua vì lợi ích của cả Trung Quốc và EU, đồng thời phủ nhận mọi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương.

Nghị viện EU: Trước tiên ĐCSTQ phải dỡ bỏ những lệnh trừng phạt

Diễn biến leo thang của động thái trên là từ ngày 22/3 khi EU đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể của ĐCSTQ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Sau đó phía Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với một số nghị sĩ, học giả và thực thể châu Âu bằng cách cấm họ nhập cảnh vào Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông và Ma Cao.

Hành động của ĐCSTQ bị EU phản đối kịch liệt, nhiều nước thành viên EU sau đó đã triệu tập đại sứ ĐCSTQ để phản đối, lên án chính quyền ĐCSTQ về hành vi đã áp đặt các biện pháp trừng phạt “vô căn cứ và tùy tiện”.

Trong đề nghị mới nhất của EU nêu trên, Nghị viện EU yêu cầu nếu Bắc Kinh hy vọng EU có thể tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận đầu tư mà không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của quá trình phê chuẩn thỏa thuận, thì trước tiên ĐCSTQ phải dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt đối với các chức sắc và nhà ngoại giao của EU. Đề nghị cũng nêu rõ rằng các thành viên của Nghị viện EU hy vọng Ủy ban EU sẽ tham khảo ý kiến ​​của Nghị viện EU trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nào để kết thúc và ký kết Hiệp định đầu tư giữa EU và Trung Quốc.  

Các nhà lập pháp của EU cho biết rằng các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ đối với EU không dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi các lệnh trừng phạt của EU đối với quan chức ĐCSTQ là căn cứ vào Công ước của Liên Hợp Quốc về những vi phạm nhân quyền.

Trương Đình, Epoch Times 

Xem thêm: