Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo rằng những nhân viên có quan hệ với Trung Quốc và Nga đang làm việc tại các công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon có thể đang âm thầm theo dõi công ty. họ thường bị ép buộc làm gián điệp và đánh cắp bí mật trái với ý muốn của bản thân.

shutterstock 651621241
(Nguồn: Shutterstock)

Điều tra viên đặc biệt của FBI, ông Nick Shenkin, giám đốc Lực lượng Đặc nhiệm Công nghệ Chiến lược của FBI chi nhánh San Francisco, đã nói về mối đe dọa này trong một cuộc phỏng vấn với Protocol được công bố vào ngày 18/8.

Ông Nick Shenkin nói rằng mặc dù một số gián điệp nội bộ là vì tiền hoặc lòng trung thành với nước ngoài, nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ bị ép buộc bởi đe dọa từ các chính quyền nước ngoài.

Bắt gián điệp không phải là công việc của bộ phận nhân sự

Khi ông Shenkin lần đầu tiên tiếp cận các công ty cách đây 5 năm, ông đã cố gắng thuyết phục họ rằng mối đe dọa không chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên, hiện tại, các cuộc tấn công của hacker nước ngoài thường xuyên trở thành tin tức hàng đầu, từ các cựu kỹ sư Apple cho đến các nhà nghiên cứu, sự kiện các cá nhân bị cáo buộc buôn lậu thông tin và bị truy tố liên tiếp xảy ra. 

Năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức khởi động “Sáng kiến ​​Trung Quốc”. Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết trong một bài phát biểu vào năm 2020 rằng các hoạt động gián điệp kinh tế và phản gián của Trung Quốc là “mối đe dọa lâu dài nhất đối với thông tin và sở hữu trí tuệ, cho đến cả sức sống kinh tế của đất nước chúng ta.” Thiệt hại của chính phủ đối với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc ước tính lên tới hàng trăm tỷ đô la mỗi năm, mặc dù một số nhà phê bình cho rằng những con số này là phóng đại.

Ông Shenkin nói: “Bây giờ khi bạn đến những công ty này, không cần ai phải thuyết phục. Mọi người đều biết rằng đây là một mối đe dọa, và vấn đề lớn nhất là chúng ta có thể chống lại nó như thế nào.”

Ông nói rằng không ai mong đợi bộ phận nhân sự sẽ sàng lọc gián điệp khi tuyển dụng nhân viên – đây thậm chí không phải là cách mà các công ty nên xem xét. Thay vào đó, ông đang cố gắng hướng dẫn các công ty công nghệ cách xác định điểm yếu có thể có của một người, sau đó tìm cách bảo vệ họ và công ty khỏi bị lợi dụng bởi các chính phủ độc tài, cụ thể là Trung Quốc và Nga.

Có 4 điểm yếu chính trong báo cáo vắn tắt: một người nào đó là công dân của một quốc gia độc tài; làm ăn với một quốc gia độc tài; sở hữu tài sản ở một quốc gia độc tài; hoặc có thành viên gia đình hoặc nhân viên sống hoặc làm việc ở một quốc gia độc tài.

Ông Shenkin cảnh báo rằng những người có gia đình ở Trung Quốc, Nga và các nước độc tài khác đang bị “lợi dụng hết lần này đến lần khác”. Ông cho biết, trong một vụ án mà ông tham gia, một đặc vụ của Chính phủ Trung Quốc đã đe dọa rằng nếu một nhân viên không ăn cắp thông tin độc quyền của một công ty công nghệ lớn, mẹ của nhân viên đó sẽ không được trở về Trung Quốc để chạy thận.

Ông nói: “Rất nhiều nội dung trong báo cáo vắn tắt là ý kiến như thế này: Đây không phải là về chủng tộc của cá nhân. Đây là về tính dễ bị tổn thương của bất kỳ cá nhân hoặc thực thể nào dưới quyền quản lý của một nhà nước độc tài. Bởi vì những gì chúng tôi đã thấy, tuyệt đại đa số là những người cuối cùng đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, trong nhiều trường hợp, họ không hề muốn làm chuyện đó.”

Mặc dù Chính phủ Mỹ đã từng vướng vào các doanh nghiệp nhà nước (hoặc các công ty có liên quan chặt chẽ với nhà nước như Huawei) trong quá khứ, nhưng ông Shenkin cho biết họ đã chuyển trọng tâm sang cái gọi là các mối đe dọa hỗn hợp.

Các quốc gia chuyên chế về cơ bản là hướng móc câu về phía người dân, “buộc họ phải coi mình như một bộ phận của chính phủ, cho dù họ có muốn hay không”.

Theo Politico đưa tin, sự thiếu hiểu biết chung về mối đe dọa này và thiếu khích lệ các công ty báo cáo các trường hợp đáng ngờ, có nghĩa là Thung lũng Silicon càng có thể trở thành một “ổ gián điệp”.

Đã có số ít vụ án được chú ý đến mức khởi tố. Chính phủ Mỹ đã kiện hai kỹ sư khác nhau của Apple vào năm 2018 và đầu năm 2019, cáo buộc họ đánh cắp thông tin bí mật thương mại về xe tự lái của của Apple.

Trong những vụ án nổi tiếng nhất mà FBI và các chuyên gia đã học được bài học, đó là những người trong cuộc đã tình nguyện làm gián điệp. Ví dụ, nhân viên Walter Liew của công ty DuPont bị kết tội ăn cắp bí mật thương mại về sơn trắng, bao gồm quy trình sản xuất sử dụng cho mục đích quân sự, và bán nó cho một công ty Trung Quốc với giá hơn 20 triệu USD.

Vì nhiều công ty ở Thung lũng Silicon đang nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, các tác nhân nước ngoài đặc biệt quan tâm đến Thung lũng Silicon, đây có thể là tin vui cho các đối thủ nước ngoài về kinh tế hoặc quân sự.

Ông Shenkin cho biết: “Nếu bạn là một công ty điện toán lượng tử, hay một công ty công nghệ sinh học, hay một công ty công nghệ xanh, thì bạn là một con ngựa vằn béo tốt ở Serengeti. Nhưng họ cũng đang tìm kiếm những con ngựa vằn chậm nhất ở trên Serengeti.”

Vị đặc vụ FBI này nói rằng các công ty đang nhận thức rõ hơn về các mối đe dọa từ những người trong cuộc và thường mong ngóng nhận được thông tin tóm tắt của ông.

Không phải là một cuộc săn phù thủy

Thách thức mà báo cáo này gặp phải là không được khơi dậy sự bất mãn chống Trung Quốc hoặc chống Nga ở Mỹ, đặc biệt là khi chủ nghĩa bài ngoại đang gia tăng. Ông Shenkin cho biết ông không muốn bắt đầu một cuộc săn phù thủy hoặc khiến công ty sợ hãi khi thuê những người có tên gốc Trung Quốc hoặc Nga.

Ông nói rằng dưới sự thúc đẩy của các phương tiện truyền thông, người ta có thể hiểu nhầm rằng FBI đang nhắm vào người Mỹ gốc Hoa. Theo quan điểm của ông, tình hình thực tế là FBI đang nỗ lực để bảo vệ họ (các công ty, cá nhân) khỏi ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc. Ông nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đang bị người Trung Quốc (Cộng sản) lợi dụng. Họ đang là mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc, bị lợi dụng và buộc phải làm những điều phi pháp.”

Ông nói thêm: “Cho rằng chúng tôi đang ở đó để nhắm mục tiêu vào người Mỹ gốc Nga, hoặc người Mỹ gốc Hoa, hoặc bất kỳ nhóm dân tộc nào trong số này – nhưng ý tôi là, không có gì tệ hơn ý tưởng này. Chúng tôi không sống trong bất kỳ vọng tưởng nào, nghĩ rằng một nhóm dân tộc có khuynh hướng di truyền về hành vi không trung thực. Tuyệt đối không phải vậy.”

Ông Shenkin nhấn mạnh rằng báo cáo vắn tắt của FBI bắt đầu trước khi có “Sáng kiến ​​Trung Quốc” của Bộ Tư pháp và mục đích của nó là tập trung vào những điểm yếu của cá nhân, chứ không phải là khiến các công ty mất lòng tin vào nhân viên Trung Quốc hoặc Nga của họ.

Ông nói thêm: “Điều chúng tôi muốn nói là nếu người mà bạn thuê có điểm yếu bị lợi dụng bởi một chính phủ độc tài, thì cách hành động tốt nhất của bạn là giúp người đó và đào tạo họ hiểu điểm yếu của họ là gì. Họ có thể bảo vệ chính họ và công ty có thể giúp bảo vệ người này khỏi bị chính phủ độc tài lợi dụng. Đây là mục tiêu của chúng tôi. Đây là lý do tại sao chúng tôi thực hiện báo cáo vắn tắt này.”

FBI cũng cảnh báo rằng những nhân viên bất mãn với công ty thì sẽ không có mức độ trung thành, hoặc có thể muốn trả thù công ty. Trong một trường hợp khác, nhân viên Hệ thống vệ tinh Boeing (Boeing Satellite Systems) là Gregory Justice, đã thất vọng vì không được thăng chức nên đã cố gắng bán bí mật cho tình báo Nga, anh ta đã bị kết tội.

Đánh cắp trở thành “cuộc sống thường ngày trên quy mô lớn”

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế duy trì một danh sách hơn 100 vụ trộm cắp sở hữu trí tuệ được cho là có liên quan đến Trung Quốc kể từ năm 2000. Thách thức nằm ở chỗ những trường hợp này chỉ là một phần nhỏ các vụ án có thể truy tố, và ông Shenkin cho rằng có một “phần chìm của tảng băng lớn” trong phương diện đánh cắp thông tin nhạy cảm.

Ước tính mỗi năm nước Mỹ thiệt hại từ 225 tỷ đến 600 tỷ đô la Mỹ do các hoạt động gián điệp kinh tế, và các tác nhân nước ngoài nhắm mục tiêu vào rất nhiều các ngành nghề.

Mặc dù Trung Quốc đã bị cáo buộc là thủ phạm của các hoạt động gián điệp kinh tế “sôi nổi và lâu dài nhất” trên thế giới, nhưng Nga, Iran và các nước khác cũng nhắm vào quyền sở hữu trí tuệ.

Những tội ác này thường được thực hiện thông qua hack và rò rỉ dữ liệu, nhưng những người trong cuộc có thể cung cấp cho các tác nhân nước ngoài nhiều cơ hội hơn để lấy được bí mật của công ty.

Ông Shenkin nói với Protocol: “[Đánh cắp tài sản trí tuệ] là một hoạt động hàng ngày quy mô lớn và là một trong những trụ cột chính của nhiều quốc gia độc tài và chính phủ của họ.”

“Giao thức Delta” của FBI

Phương án giải quyết mà FBI đề xuất không phải là cấm hoàn toàn công dân nước ngoài, cũng không phải cho rằng đây là sự bất lực không thể tránh khỏi. Ngược lại, ông Shenkin cho rằng đây giống như một email lừa đảo. Các công ty cần đào tạo nhân viên của mình, để họ biết những điều cần chú ý và cài đặt các biện pháp dự phòng để giảm thiểu tổn thất trong trường hợp có người bị thất thủ.

Ông Shenkin đã giới thiệu Giao thức Delta (Delta protocol) của FBI cho các công ty công nghệ, giao thức này chỉ bảo các công ty khởi nghiệp và các công ty khác cách tự bảo vệ mình.

Trong vài năm qua, ông Shenkin đã âm thầm giới thiệu các công ty đầu tư mạo hiểm, công ty khởi nghiệp, học giả và và các đoàn thể trong ngành công nghệ mà những người tham gia nước ngoài có thể quan tâm.

Một phần công việc của ông Shenkin là giới thiệu cho công ty những phương pháp tốt nhất để xác định các mối đe dọa nội bộ tiềm ẩn. Vấn đề này đang gia tăng. Nhân viên bị các tác nhân nước ngoài thuyết phục hoặc ép buộc giao nộp thông tin nhạy cảm hoặc thông tin đăng nhập.

Trong Giao thức Delta, FBI bao gồm một số phương pháp cơ bản tốt nhất, chẳng hạn như khuyến nghị các công ty ghi lại những ai có thể truy cập IP nhạy cảm và cài đặt bảo mật vật lý cần thiết như cửa tự khóa và hệ thống báo động. Nó cũng có một phần về các đặc trưng giúp các công ty xác định các mối đe dọa từ nội bộ, từ những nhân viên có thể bị ép buộc thông qua các hoạt động rủi ro cao (chẳng hạn như các khoản nợ cờ bạc và chính phủ có thể sử dụng các khoản nợ này để đổi lấy thông tin), đến việc thể hiện sự trung thành bằng 0, đồng thời bán thông tin cho lính đánh thuê trả giá cao nhất. Nhóm người này được mô tả là “có thể có vấn đề lớn ở nơi làm việc, chẳng hạn như không thể nào hợp tác với người khác, bất mãn một cách cực đoan, hiếu chiến và thường xuyên vi phạm các quy tắc và chính sách tại nơi làm việc”.

Để các công ty lựa chọn Giao thức Delta, hoặc ít nhất là bắt đầu nắm bắt được quy mô của hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ tiềm ẩn, là lý do tại sao FBI đã thực hiện nhiều công việc tiếp cận hơn.

Ông Shenkin nói: “Sở dĩ chúng tôi tự tin hơn đối với báo cáo vắn tắt này và cố gắng cởi mở hơn với các công ty Mỹ, là vì chúng tôi cũng mới nhận thức được rằng nếu không được (chính phủ nước ngoài) ra giá cao, thì họ (nhân viên) sẽ làm việc bình thường. Vì vậy, nội dung của báo cáo vắn tắt là: ‘Mời các công ty Mỹ nâng cao lá chắn để bảo vệ chính mình, để cái giá (chính phủ nước ngoài) phải trả cho việc trộm cắp từ các bạn cao hơn, đất nước lớn mạnh hơn thì các bạn cũng mạnh mẽ hơn’. “

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: