Kyiv Post đăng tin rằng dường như một thế thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Mariupol trong chuyến công du không công bố trước, chứ không phải đích thân ông Putin, dẫn nguồn ảnh từ một cố vấn cao cấp của Bộ Nội vụ. Hôm 22/3, France 24 đã có phân tích về tấm ảnh này.

230326 putin 01
Tấm hình dẫn đến nghi ngờ về thế thân của ông Putin. (Ảnh chụp màn hình Twitter)

Sau khi vấn đề Putin thật giả lưu truyền trên mạng xã hội —mà đây không phải là lần đầu— Kyiv Post đã tìm đến Andriy Yusov, đại diện của Tình báo Quân sự Ukraine để phỏng vấn ý kiến.

“Một người đàn ông trông giống như ông Putin đã đến thăm Mariupol,” ông Yusov nói thẳng.

“Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng ít nhất 3 người giống nhau. Họ đã phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống người đứng đầu Điện Kremlin hơn,” ông diễn giải và cho thêm thông tin.

“Chúng tôi biết cụ thể về 3 người vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng có bao nhiêu người thì chúng tôi không biết. Họ đều đã phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống nhau.”

230326 putin 04
Cô Catalina Marchant de Abreu của France 24 đã chỉ ra rằng tấm hình về ông Putin được trích dẫn ác ý gây hiểu lầm. (Ảnh chụp video)

Một lưu truyền nhiều nhất trên mạng xã hội là tweet có 7 triệu lượt xem (view) của Anton Gerashchenko, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ, người tự giới thiệu ở Twitter là: “Nhà yêu nước Ukraine. Cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine. Người sáng lập Viện Tương lai. Kẻ thù chính thức của tuyên truyền Nga.”

Tuy nhiên, Nhóm Người Quan sát (Observers) thuộc France 24 của Pháp dường như không đồng ý với quan điểm của các thông tin ‘tình báo’ từ Ukraine.

Họ đã tìm lại nguồn ảnh và video nguyên gốc, và cho biết sự khác biệt giữa các hình ông Putin —mà chủ yếu là cái cằm— là do biểu cảm hay động tác trên mặt của ông vào đúng thời điểm đó tạo thành vậy thôi. Đặc biệt là khi xem video, khi ông Putin xoay mặt qua xoay mặt lại, v.v. thì trông hoàn toàn bình thường.

Tức là người chế tác ra tấm hình tạo tin đồn này đã cố ý chọn các góc nhìn và thời điểm trên video để cắt ghép gây hiểu lầm.

France 24 cũng chỉ ra rằng tấm hình thứ nhất nguyên gốc là ảnh chụp năm 2020 chứ không phải 2023, và tấm hình thứ 2 là từ video chuyến thăm Mariupol chứ không phải thăm Sevastopol. Tức là cả ngày và địa điểm cũng lẫn lộn lung tung cả.

Trong video dưới dây, cô Catalina Marchant de Abreu của France 24 cũng chỉ ra rằng một tấm hình ông Putin quỳ gối trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là tấm hình không đúng sự thật. Tấm hình này bằng cách nào đó đã trở nên viral trên các mạng xã hội, với các bình luận không hay về chuyến gặp mặt vừa qua giữa ông Putin và ông Tập.

 

France 24 cho biết đây không phải lần đầu tiên ông Putin là nạn nhân của những tin đồn ác ý tương tự như thế, đặc biệt là kể từ khi ông khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, điều mà Ukraine gọi là một cuộc xâm lược.

Nhóm Người Quan sát của France 24 báo cáo rằng họ đã phát hiện giả dối trong 115 tuyên bố hình ảnh hoặc video trong quãng thời gian từ 24/2/2022 đến 24/2/2023 trong các tuyên truyền của Nga và Ukraine, với 91 là tin rởm có lợi cho phe Nga, và 17 tin rởm là có lợi cho phe Ukraine.

Hồi đầu tháng này, Mikhail Podolyak, Cố vấn của Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã có tweet với 2,4 triệu lượt xem chỉ trích quảng cáo của Louis Vuitton:

“Trong hơn một năm, Liên bang Nga đã tàn sát người Ukraine ở châu Âu bằng cách sử dụng chữ ba màu & chữ thập ngoặc V/Z. Một nhà mốt ưu tú tập trung vào “nhà giàu mới nổi của Nga” đã chọn công khai chơi đùa với các biểu tượng của quân xâm lược. Sự sang trọng phải chăng có mùi thơm hơn khi đẫm máu, đúng vậy không @LouisVuitton?”

Sau đó nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng biểu tượng chữ V với 3 màu cờ Pháp của hãng hàng xa xỉ phẩm này đã có ít nhất từ 120 năm trước, và không liên quan gì tới Liên bang Nga.

Nhật Tân