Theo tài liệu mà Bloomberg News xem được về cam kết chung của G7, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới sẽ có kế hoạch cung cấp 1 tỷ liều vắc-xin để chấm dứt đại dịch COVID-19 vào năm 2022, đồng thời thúc giục WHO tiến hành một cuộc điều tra mới nghiêm túc về nguồn gốc của virus Vũ Hán.

Embed from Getty Images

Khi ông Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác tụ họp để bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh ở Anh, một kế hoạch nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19 vào tháng 12 năm 2022 đã được vạch ra. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall, các Tổng thống và Thủ tướng sẽ cam kết cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vắc-xin bổ sung trong năm tới để tiêm cho khoảng 80% dân số trưởng thành trên thế giới, theo một thông cáo dự thảo được Bloomberg News báo cáo.

Theo các nguồn tin của Reuters, Mỹ đã lên kế hoạch mua 500 triệu liều vắc-xin của Pfizer để chia sẻ với thế giới. Thông tin được đưa ra khi ông Biden đang chuẩn bị tham gia cùng các nhà lãnh đạo G7 bàn về kế hoạch chấm dứt đại dịch bằng cách phân phát các liều vắc-xin toàn cầu.  

Chính phủ Mỹ sẽ mua khoảng 200 triệu liều trong năm nay để phân phối thông qua COVAX, sáng kiến ​​do Tổ chức Y tế Thế giới hậu thuẫn nhằm đảm bảo sự phân phối vắc-xin công bằng trên toàn cầu, và khoảng 300 triệu liều trong nửa đầu năm tới, theo Reuters.

Vắc-xin Pfizer của Mỹ sẽ được cung cấp cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và Liên minh châu Phi. Ông Biden dự kiến ​​sẽ công bố kế hoạch đó vào thứ Năm (giờ địa phương) trước khi Hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đối mặt với áp lực phải làm nhiều hơn để giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin toàn cầu.

Tuần trước, ông Biden thông báo lô hàng đầu tiên gồm 6 triệu liều sẽ được phân phối ở Trung Mỹ và Caribe thông qua chương trình COVAX, trong khi những lô khác sẽ được gửi trực tiếp từ Washington đến các nước như Mexico.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng sẽ kêu gọi một cuộc điều tra mới, minh bạch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc của virus corona, theo Bloomberg. 

Lời kêu gọi được chính quyền Biden khởi xướng và theo sau quyết định của Tổng thống Mỹ nhằm mở rộng cuộc điều tra của Mỹ về nguồn gốc của đại dịch, với một cơ quan tình báo nghiêng về giả thuyết rằng virus đã bị rò rỉ khỏi một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Theo báo cáo của Bloomberg, thông cáo năm nay của các lãnh đạo G7 cũng sẽ có cam kết giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và may mặc và những nơi liên quan đến lao động cưỡng bức của người thiểu số.

Trong một động thái rõ ràng đối với Trung Quốc, cam kết cũng buộc các nhà lãnh đạo EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh phải có hành động chống lại Bắc Kinh vì đã bức hại đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Lê Vy

Xem thêm: