Tháng 3/2021 vừa qua, giáo sư Wendy Rogers đã được Đại học Flinders trao Giải thưởng Cựu sinh viên xuất sắc năm 2020 cho “khả năng lãnh đạo xuất sắc, sự ủng hộ và cống hiến trong lĩnh vực đạo đức y khoa, bao gồm cả việc dẫn đầu cuộc điều tra đột phá về lạm dụng trái đạo đức nội tạng người trong nghiên cứu”. Trước đó, bà Wendy Rogers đã trở thành nhân vật đạo đức y khoa nổi tiếng của Úc năm 2019 vì những cố gắng của bà trong việc vạch trần tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc dưới sự hậu thuẫn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giáo sư chống thu hoạch tạng nhận giải thưởng từ Đại học Flinders
Giáo sư Wendy Rogers thuộc đại học Macquarie, Sydney, Úc – Một trong những người khởi xướng việc tẩy chay nghiên cứu ghép tạng tại Trung Quốc. (Ảnh: Chris Stacey, Đại học Macquarie)

Giáo sư Wendy Rogers nhận bằng Cử nhân Y khoa và Cử nhân Phẫu thuật năm 1983, bằng Cử nhân Danh dự năm 1995, bằng Tiến sĩ Y khoa và Triết học năm 1998, và trở thành Giáo sư Đạo đức Lâm sàng tại Đại học Macquarie của Sydney. Năm 2018, bà Wendy Rogers đã đứng đầu một cuộc điều tra đột phá về việc sử dụng trái đạo đức các bộ phận cơ thể người trong nghiên cứu. Báo cáo khoa học của bà được đăng tải trên tạp chí y khoa uy tín British Medical Journal vào đầu năm 2019.

Thông qua việc xem xét nghiên cứu của các nhà khoa học cấy ghép tới từ Trung Quốc, cuộc điều tra của giáo sư Wendy Rogers và các cộng sự đã phát hiện ra 400 bài báo khoa học tới từ Trung Quốc có khả năng sử dụng nguồn nội tạng phi đạo đức của tù nhân Trung Quốc. Trong báo cáo khoa học của mình, nhóm điều tra kêu gọi cộng đồng y học ghép tạng thế giới tẩy chay các bài báo này nếu các tác giả không thể chứng minh được nguồn gốc của nội tạng sử dụng trong nghiên cứu. Một số tạp chí khoa học lớn đã hưởng ứng lời kêu gọi đó và gỡ bỏ khoảng hai chục nghiên cứu tới từ Trung Quốc.

Không những vậy, với tư cách là chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC), bà Wendy Rogers đã thúc đẩy thành lập Tòa án độc lập về cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Tòa án được chủ tọa bởi ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế và từng đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Phán quyết của tòa án đã khẳng định “thu hoạch tạng trên quy mô lớn đã xảy ra nhiều năm ở Trung Quốc”, và nạn nhân chủ yếu là những người tập Pháp Luân Công và đã chuyển dịch sang người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp ở Tân Cương.

Với thành quả đó, giáo sư Wendy Rogers được trao tặng Giải thưởng Y đức của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Úc (NHMRC), được tờ The Australian có lượng lưu hành lớn nhất nước Úc bình chọn là người dẫn đầu trong lĩnh vực Đạo đức y khoa của Úc vào tháng 10/2019, được tạp chí Nature vinh danh là một trong 10 nhà khoa học có đóng góp quan trọng, và là một trong các gương mặt Y khoa của năm 2019 do tạp chí Medscape bình chọn.

Với tư cách là người phụ nữ duy nhất và người Úc duy nhất từng được Medscape trao giải, giáo sư Wendy Rogers thừa nhận rằng công việc của bà còn lâu mới hoàn thành.

“Mặc dù sự công nhận này trong cộng đồng khoa học khiến tôi rất vui, nhưng vấn đề vẫn cần được nâng lên phạm vi công cộng rộng lớn hơn và cần xuất hiện trong các chương trình nghị sự chính trị, để các chính phủ có thể gây áp lực chấm dứt tình trạng lạm dụng nhân quyền này”, bà Wendy Rogers chia sẻ.

Bài viết trên trang web của Đại học Flinders cho biết, giáo sư Rogers hiện cũng đang theo đuổi các dự án nghiên cứu điều tra về các vấn đề đạo đức liên quan tới các công nghệ y khoa mới, như các thiết bị phẫu thuật mới, trí thông minh nhân tạo và sinh học tổng hợp.

Minh Nhật

Xem thêm: Hơn 100 tổ chức người Việt ở hải ngoại kêu gọi quan tâm tới tội ác thu hoạch tạng

Mời xem video: