Sau vụ ám sát cựu Tổng thống Jovenel Moise vào năm ngoái, Haiti, một quốc gia vùng Caribe, gần như rơi vào tình trạng vô chính phủ. Bên cạnh thiên tai, thảm họa, đất nước này còn xuất hiện các băng nhóm tội phạm cấu kết với chính khách và cảnh sát. 

Haiti
Bị bủa vây bởi bạo lực băng đảng, một đợt bùng phát dịch tả mới và tình trạng thiếu lương thực, nước và nhiên liệu trên diện rộng, cuộc khủng hoảng ở Haiti đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo Daily Mail chỉ ra, nạn băng đảng hoành hành ở Haiti không phải mới, nhưng hàng loạt thiên tai đã khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn, chẳng hạn như trận động đất kinh hoàng 7 độ Richter năm 2010; năm 2016, dưới tác động của cơn bão Matthew, đất nước này bị thiệt hại nặng nề, khiến nền kinh tế suy sụp và kéo theo sự trỗi dậy của hàng trăm tổ chức tội phạm có tổ chức cao và bạo lực cực đoan. Hành vi bắt cóc, giết người và tấn công tình dục, v.v, của các tổ chức này có thể thấy ở khắp mọi nơi.

1024px Haiti earthquake damage
Haiti sau trận động đất năm 2010. (Nguồn: UN Photo/Logan Abassi/Wikimedia)

Tháng 7 năm nay, trong cuộc bạo loạn kéo dài 10 ngày ở thủ đô Port-au-Prince, khoảng 300 người đã bị sát hại, ít nhất 50 phụ nữ và trẻ em gái bị tấn công tình dục, thậm chí nhiều nạn nhân còn trở thành đối tượng bị bạo lực, làm nhục, cưỡng bức trước mặt trẻ nhỏ. Gia đình nạn nhân thậm chí còn tiết lộ rằng họ đã nhận được một cuộc điện thoại từ những kẻ bắt cóc, buộc họ phải nghe lại quá trình người thân của họ bị tấn công tình dục cho đến khi nộp tiền chuộc. Báo cáo chỉ ra rằng số tiền chuộc rất lớn, thậm chí có thể lên tới 1 triệu đô la Mỹ.

Một người phụ nữ đau đớn kể lại việc 4 người đàn ông thay phiên nhau xâm hại tình dục cô trước mặt con gái 3 tuổi, do đứa trẻ không ngừng khóc nên còn bị chúng đâm bị thương; một bé gái 5 tuổi khác tận mắt chứng kiến ​​bố bị hành quyết, còn người mẹ lần lượt bị 4 người đàn ông thay nhau xâm hại tình dục; một cô gái 19 tuổi và người mẹ bị một nhóm đàn ông bắt cóc và giam giữ trong 3 ngày, trong thời gian này họ bị những kẻ bắt cóc thay nhau xâm hại.

Trên thực tế, nhiều băng đảng ở Haiti ban đầu được tổ chức bởi các nhà lãnh đạo chính trị, chẳng hạn như cựu Tổng thống Francois ‘Papa Doc’ Duvalier, người đã thành lập các nhóm bán quân sự để tự bảo vệ mình sau cuộc đảo chính thất bại năm 1958. Kể từ đó, nhiều nhà lãnh đạo chính trị đã lợi dụng các nhóm vũ trang để đạt được mục tiêu của họ, bao gồm cả việc khủng bố đe dọa đối thủ. Tuy nhiên, sau hàng loạt thiên tai, quyền lực của nhóm lãnh đạo chính trị này đã bị suy yếu đi rất nhiều, do đó họ dần mất quyền kiểm soát đối với các tổ chức vũ trang này, từ đó khiến cho các băng nhóm lợi dụng tình hình để tranh đoạt quyền lực.

Theo thông tin, hiện có khoảng 200 băng đảng hoành hành ở Haiti, trong đó có gần 100 tổ chức bất hợp pháp ở thủ đô, họ không chỉ kiểm soát việc buôn lậu ma túy và vũ khí mà còn kiểm soát các sân bay, nhà máy, nhà máy điện và khu thương mại.

Hơn một năm sau vụ ám sát tổng thống, cuộc điều tra bị đình trệ

Cố Tổng thống Haiti, ông Jovenel Moise, bị bắn chết tại nhà riêng ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti vào ngày 7/7 năm ngoái. Khi đó một nhóm tay súng đã xông vào nhà riêng của ông và bắn ông 12 phát khiến ông thiệt mạng.

Cùng ngày, cảnh sát Haiti huy động đặc biệt nhanh chóng và bắt giữ khoảng 20 người, trong đó có 18 cựu quân nhân Colombia được cho là lính đánh thuê.

Ngoài ra, các thẩm phán dẫn đầu cuộc điều tra vụ ám sát tổng thống cũng đã nhiều lần được thay đổi, cho đến nay đã có ít nhất 5 thẩm phán phụ trách vụ án nhưng không ai trong số họ đưa ra bất kỳ cáo buộc nào đối với 40 người hiện đang ngồi tù. Sự chậm trễ trong cuộc điều tra cũng làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Haiti.

Thủ tướng Haiti, ông Ariel Henry, bị nghi ngờ là đã gọi điện cho nghi phạm chính vài giờ trước vụ ám sát. Tuy nhiên ông tuyên bố cáo buộc này là làm phân tán sự tập trung vào cuộc điều tra. Ông Ariel Henry được bổ nhiệm làm thủ tướng được 2 ngày thì xảy ra vụ việc ông Jovenel Moise bị ám sát.

Quốc hội Haiti đã không hoạt động bình thường trong hai năm qua, vì không có cuộc bầu cử nào được tổ chức kể từ khi ông Jovenel Moise nhậm chức vào năm 2017. Hệ thống tư pháp của đất nước cũng đang gặp khó khăn khi không có nguyên thủ quốc gia nào bổ nhiệm thẩm phán.

Chức vụ tổng thống đã bị bỏ trống kể từ khi ông Jovenel Moise qua đời. Đến nay vẫn chưa xác định thời điểm cho một cuộc tổng tuyển cử để bầu chọn ra tổng thống mới.