Biến thể mới nhất Omicron của COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi trong tuần này, khiến một số lượng lớn các quốc gia trên toàn cầu đã áp đặt các hạn chế đi lại. Tuy nhiên, liệu biện pháp này có thể ngăn chặn sự lây lan của virus hay không đã làm dấy lên các cuộc tranh luận.

shutterstock 1856051599
Sân bay Denver, Colorada, Mỹ (Ảnh minh họa: Evgenia Parajanian/ Shutterstock)

Cho đến nay, những rủi ro có thể có của biến thể mới phần lớn vẫn chưa được xác định nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định đặt tên cho nó là Omicron, nghĩa là “biến thể đáng lo ngại” (variant of concern). Đồng thời, WHO cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm để xác định xem liệu biến thể này có dễ lây lan hơn, liệu nó có gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn và có thể kháng lại vắc-xin hay không.

Hiện tại có sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh ở Nam Phi. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa xác định được liệu nguyên nhân có phải do biến thể mới này hay không. Sẽ mất vài tuần để tìm ra liệu vắc-xin có còn hiệu quả đối với biến thể mới này không.

Do tính không xác định của Omicron, các quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương pháp tiếp cận “an toàn trên hết” để phòng chống dịch.

“Nó dường như đang lây lan nhanh chóng”, Tổng thống Biden nói về biến thể mới này vào thứ Sáu (ngày 26/11). “Tôi quyết định chúng ta phải tiến hành một cách thận trọng.”

Nhà Trắng cũng đã loan báo Mỹ sẽ hạn chế đi lại từ Nam Phi và 7 quốc gia châu Phi khác từ thứ Hai (ngày 29/11). 

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đình chỉ đi lại từ các quốc gia phía nam của châu Phi sau khi phát hiện biến thể mới của COVID-19, theo Chủ tịch EU. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu cho biết hôm thứ Sáu, có nguy cơ “cao đến rất cao” rằng biến thể mới này sẽ lây lan ở Châu Âu.

Ngoài ra, Úc, Brazil, Canada, Iran, Nhật Bản, Thái Lan, Vương quốc Anh và các quốc gia khác đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với nhiều quốc gia ở miền nam châu Phi, với hy vọng ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.

Liệu các hạn chế đi lại có hữu ích?

Fox News đưa tin, những hành động này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận liệu các lệnh cấm đi lại và các hạn chế khác có thể ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới hay không. Một số người nói rằng những hạn chế này có thể là thời gian tốt nhất cho việc thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng mới. Trong trường hợp xấu nhất, nó không làm gì để ngăn chặn sự lây lan của virus nhưng lại mang đến cho mọi người cảm giác an toàn giả tạo.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi tuyên bố rằng họ phản đối mạnh mẽ việc áp đặt lệnh cấm đi lại đối với những người đến từ các quốc gia nơi Omicron được báo cáo.

Fox News dẫn lời ông Mark Woolhouse, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, nói rằng việc áp đặt các hạn chế đi lại có thể giúp các quốc gia có thêm thời gian để đẩy nhanh việc tiêm chủng và thực hiện các biện pháp khác, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. 

Tuy nhiên, ông cho rằng: “Các hạn chế đi lại có thể trì hoãn nhưng không ngăn được sự lây lan của một biến thể có khả năng lây truyền cao.”

Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng việc hạn chế đi lại sẽ chỉ mang lại cho công chúng cảm giác an toàn giả tạo và không nên là phản ứng bản năng đầu tiên của các quan chức công quyền.

Ông Jeffrey Barrett, giám đốc di truyền học COVID-19 tại Viện Wellcome Sanger, tin rằng việc phát hiện sớm biến thể mới có thể đồng nghĩa với việc các hạn chế được thực hiện ngay bây giờ, do đó, sẽ có tác động lớn hơn so với khi biến thể delta lần đầu tiên xuất hiện.

Ông nói: “Việc giám sát (virus) ở Nam Phi và các quốc gia lân cận khác tốt đến mức họ đã phát hiện ra điều này (biến thể mới), biết đó là một vấn đề và nhanh chóng thông báo cho thế giới ở một thời điểm rất sớm, do vậy, vẫn còn thời gian để tìm các biện pháp đối phó.”

Tuy nhiên, ông Barrett nói rằng những hạn chế khắc nghiệt sẽ phản tác dụng. Các quan chức Nam Phi không nên bị trừng phạt vì đã cảnh báo thế giới về các biến thể mới.

“Họ phục vụ thế giới, và chúng ta phải giúp họ, không phải trừng phạt họ vì điều này“, ông nói.

Các nhà khoa học nói gì?

Bà Sharon Peacock, người đứng đầu dự án giải trình tự gen của Vương quốc Anh tại Đại học Cambridge, cho biết bất kỳ quyết định hạn chế đi lại nào đều là quyết định chính trị, không phải là quyết định khoa học. 

Bà nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về biến thể mới, mặc dù một số đột biến được phát hiện có vẻ đáng lo ngại, bà cho biết vẫn chưa có bằng chứng cho thấy chúng gây chết người hoặc lây lan cao hơn các phiên bản trước.

Bà nói: “Có thể ngăn chặn sự lây nhiễm, nhưng bạn cần phải có những hạn chế rất, rất nghiêm ngặt và chỉ một số quốc gia sẵn sàng làm như vậy.”

“Việc mua thời gian là quan trọng và đáng giá, nhưng đây là quyết định của các nhà hoạch định chính sách.” Bà nói, “Chúng tôi sẽ không có bất kỳ câu trả lời khoa học rõ ràng nào trong một vài tuần nữa”.

Omicron có một số lượng lớn các đột biến, một số bằng chứng ban đầu cho thấy rằng nó có mức độ lây nhiễm cao hơn các biến thể khác. Điều này có nghĩa là những người đã nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm.

Virus corona mới đã hoành hành khắp thế giới trong hai năm kể từ lần đầu tiên được xác định ở Trung Quốc, lây nhiễm cho 260 triệu người và giết chết 5,4 triệu người. Tất cả các quốc gia đang trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Mặc dù nhiều chuyến bay đã bị đình chỉ, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể này đang lan rộng. Các trường hợp đã được báo cáo trong số các du khách đến từ Bỉ, Israel và Hồng Kông, cũng có một trường hợp nghi ngờ ở Đức. Trên hai chuyến bay từ Nam Phi đến Hà Lan, 61 hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với virus COVID-19. Cơ quan chức năng Hà Lan hiện đang kiểm tra xem những hành khách này có mang biến thể Omicron hay không.

Tác động như thế nào đến kinh tế?

Loại biến thể virus corona mới dễ lây lan hơn sẽ mang lại những rủi ro về kinh tế và sức khỏe, có khả năng làm gián đoạn sự phục hồi kinh tế toàn cầu và làm trầm trọng thêm các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã đẩy giá cả lên cao. Thị trường toàn cầu giảm mạnh do lo ngại về biến thể này và phản ứng của các quốc gia đối với biến thể mới.

Theo FoxNews , chứng khoán giảm hôm thứ Sáu, với Chỉ số Công nghiệp Dow Jones trong thời gian ngắn giảm hơn 1.000 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 106,84 điểm, tương đương 2,3%, đóng cửa ở mức 4.594,62. Đó là ngày tồi tệ nhất đối với chỉ số chuẩn của Phố Wall kể từ tháng Hai.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty kinh doanh tiền tệ OANDA, cho biết: “Điều đáng lo ngại nhất về sự căng thẳng mới vào lúc này là chúng ta chưa biết nhiều về nó”.

“COVID dường như đã được các thị trường tài chính đưa vào gương chiếu hậu cho đến gần đây,” ông Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng tại BMO Capital Markets, nhận định. “Ít nhất, (virus) có khả năng sẽ tiếp tục ném cát vào các bánh răng của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2022, hạn chế sự phục hồi (và) giữ các khúc mắc trong chuỗi cung ứng.”

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: