Hôm thứ Năm (1/7), Liên minh châu Âu (EU) đã ra mắt hệ thống chứng nhận kỹ thuật COVID-19, một loại “hộ chiếu vắc-xin”, cho phép việc qua lại biên giới giữa 27 quốc gia thành viên của khối này một cách suôn sẻ.

Cac quan chuc Hawaii xem xet ap dung ho chieu vac xin 1
(Ảnh minh họa: Nattakorn_Maneerat/Shutterstock)

Được gọi là giấy chứng nhận kỹ thuật số COVID của EU, chứng chỉ này sẽ hiển thị thông tin xem một du khách đã được tiêm chủng COVID-19 đầy đủ hay chưa, đã nhận được kết quả xét nghiệm âm tính gần đây hay không, hoặc có khả năng miễn dịch do phục hồi sau khi nhiễm bệnh gần đây hay không. Chứng nhận này có dạng mã QR có thể được hiển thị trên thiết bị điện tử như điện thoại thông minh hoặc được in ra.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, cho biết trong một thông báo rằng 21 quốc gia thành viên của khối này đã bắt đầu cấp giấy chứng nhận này trước thời hạn 1/7, trong khi năm quốc gia EU còn lại sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống này ngay hôm nay. Đối với các quốc gia cần thêm thời gian này, việc cấp giấy chứng nhận được tiến hành trong thời gian sáu tuần.

Về vấn đề này, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng nói: “Hồi tháng 3, chúng tôi cam kết sẽ có một hệ thống toàn EU để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại tự do và an toàn trong EU trước kỳ nghỉ hè. Giờ đây, chúng tôi có thể xác nhận rằng hệ thống chứng nhận kỹ thuật số COVID của EU đã thiết lập và đang hoạt động.”

Theo quy định, các quốc gia thành viên EU sẽ vẫn có thể áp dụng biện pháp “phanh khẩn cấp” và tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi nhiễm bệnh nếu tình hình dịch tễ học trở nên xấu đi nhiều, chẳng hạn cấm các du khách đến từ một khu vực có sự gia tăng đột biến các biến chủng COVID-19 dễ lây lan hơn. COVID-19 là căn bệnh do virus corona gây ra.

EC cho hay: “Theo các quy định mới, các quốc gia thành viên [EU] phải hạn chế việc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người có Giấy chứng nhận kỹ thuật số COVID của EU, trừ khi chúng cần thiết và tương xứng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.”

14 ngày sau khi được tiêm liều cuối cùng của loại vắc-xin COVID-19 được EU phê duyệt , những người được tiêm chủng đầy đủ có chứng chỉ kỹ thuật số này sẽ được miễn xét nghiệm hoặc cách ly liên quan đến việc đi lại. Việc miễn trừ tương tự cũng sẽ được áp dụng cho người trước đây bị nhiễm bệnh đã phục hồi và người đã được tiêm loại vắc-xin một liều duy nhất. Các quốc gia thành viên của EU cũng được tùy chọn dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về việc xét nghiệm hoặc cách ly liên quan đến việc đi lại đối với những người đã được tiêm liều đầu tiên của loại vắc-xin 2 liều.

Những người đã phục hồi sau khi nhiễm COVID-19 và có giấy chứng nhận kỹ thuật số COVID của EU sẽ được miễn xét nghiệm và cách ly liên quan đến việc đi lại trong 180 ngày đầu tiên sau khi xét nghiệm dương tính bằng PCR.

Những người có xét nghiệm âm tính trong giấy chứng nhận kỹ thuật số sẽ được miễn các quy định về cách ly, trừ khi họ đến từ các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do virus, những khu vực được Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu chỉ định là “đỏ sẫm”. Các quốc gia thành viên EU đã đồng ý về thời hạn hiệu lực tiêu chuẩn đối với xét nghiệm bằng PCR là 72 giờ, và 48 giờ đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh nếu được các quốc gia chấp nhận riêng.

Mặc dù một số quốc gia EU đã vận hành thử nghiệm hệ thống mới trước ngày 1/7, nhưng không rõ liệu cảnh sát hoặc các nhân viên kiểm soát biên giới có được cung cấp thiết bị và nhân lực để kiểm tra du khách hay không.

Đầu tuần này, ngành du lịch hàng không của châu Âu than phiền rằng kế hoạch triển khai giấy chứng nhận vẫn còn “manh mún”, đồng thời cảnh báo sẽ xảy ra tình trạng xếp hàng dài chờ đợi của du khách, trừ khi các quốc gia phối hợp triển khai tốt hơn.

Trong một thông báo chung, các tổ chức đại diện cho các hãng hàng không và sân bay lớn nhất của châu Âu cảnh báo: “Việc xác minh giấy chứng nhận sẽ phá hoại chuyến du lịch mùa hè thú vị của các hành khách EU. Khi lưu lượng hành khách tăng lên trong những tuần tới, nguy cơ xảy ra hỗn loạn tại các sân bay châu Âu là có thật.”

Thông báo nhấn mạnh: “Nếu các quốc gia thành viên [EU] không [phối hợp] giải quyết [vấn đề này], thì việc kiểm tra tăng gấp đôi và việc các hãng hàng không không được cung cấp đủ các công cụ xác minh sẽ gây ra tình trạng các hàng dài chờ đợi không cần thiết tại sân bay và thời gian xử lý dài hơn.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: