Báo cáo điều tra “Hồ sơ Pandora” tiết lộ bí mật tài chính của giới tinh hoa giàu có và quyền lực toàn cầu cũng như cách thức mà họ qua các Công ty nước ngoài tránh thuế và chuyển nhượng tài sản cá nhân của mình. Ông Thái Sùng Tín (Cai Chongxin), phó chủ tịch điều hành hội đồng quản trị của tập đoàn Alibaba cũng nằm trong danh sách bị phanh phui này.

Ho so Pandora
Báo cáo điều tra toàn cầu Hồ sơ Pandora (Chụp ảnh màn hình video)

Ngày 4/10, kênh truyền thông Đức Deutsche Welle đưa tin, cuộc điều tra xuyên quốc gia do Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và một nhóm gồm 150 hãng tin – bao gồm cả nhóm ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ của tờ Deutsche Welle thực hiện, cho thấy hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao trên toàn thế giới có quan hệ với các tài khoản ở nước ngoài. 

Tài khoản nước ngoài thường được sử dụng để bí mật quản lý và chuyển những khoản tiền lớn nhằm che giấu sự giàu có thực sự của các cá nhân. Trong đó có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Quốc vương Jordan và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, cũng như nhiều người thuộc giới tinh hoa giàu có khác.

Hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia đã bí mật làm việc để khám phá những câu chuyện ẩn giấu trong hơn 11,9 triệu tài liệu mật. Cuộc điều tra này được đánh giá là có sự tham gia của một số lượng lớn các nhà báo và quy mô hợp tác báo chí lớn nhất trong lịch sử, cho thấy mức độ mà các hoạt động bí mật ra nước ngoài vướng vào chính trị tài chính toàn cầu.

Theo Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), Hồ sơ Pandoracho thấy mặc dù những người nắm quyền lực này có thể giúp chấm dứt hệ thống trốn thuế nước ngoài, nhưng thay vào đó họ lại đang hưởng lợi từ nó bằng cách cất giữ tài sản vào các công ty bí mật và quỹ tín thác. Trong khi đó chính phủ của họ lại làm ngơ để làm chậm dòng tiền bất hợp pháp toàn cầu, cho phép tội phạm làm giàu và bần cùng hóa các quốc gia.

Ông Thái Sùng Tín quốc tịch Canada, là một trong những người sáng lập Tập đoàn Alibaba và là cổ đông lớn thứ hai của tập đoàn này, nắm trong tay giá trị tài sản ròng ước tính 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo quy định của chính quyền Bắc Kinh, với tư cách là một công dân nước ngoài, ông Thái không thể trực tiếp đầu tư vào công nghệ, truyền thông và một số ngành nhất định của Trung Quốc, vì vậy ông nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Alibaba thông qua một số công ty con đăng ký tại các thiên đường thuế ở nước ngoài.

Báo cáo điều tra Hồ sơ Pandora cho thấy tên của ông Thái Sùng Tín đã xuất hiện trong ít nhất một chục công ty đăng ký tại các thiên đường thuế bao gồm Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman và Bahamas.

Sau khi xem xét các tài liệu liên quan, Doris Fischer, Giám đốc Khoa Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Würzburg, Đức, tin rằng ông Thái Sùng Tín đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cấu trúc kinh doanh phức tạp ở nước ngoài của Alibaba. “Rõ ràng, ông ấy đang sử dụng các cấu trúc này và tận dụng các cơ hội này do các thiên đường thuế mang lại để hoàn thành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và các nhiệm vụ khác cho Alibaba.”

Hãng truyền thông Hồng Kông Stand News cũng tham gia vào cuộc điều tra Hồ sơ Pandora cho biết, ông Thái Sùng Tín, thông qua một số công ty và cá nhân ở nước ngoài, nắm giữ hàng triệu cổ phiếu của Alibaba, một trong số đó là MFG Limited, được đăng ký trên Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 1999, Tập đoàn Alibaba cũng được đăng ký vào cùng năm đó.

Theo báo cáo, vào tháng 12/2003, ông Thái Sùng Tín đã chuyển nhượng hơn 3 triệu cổ phiếu Alibaba do MFG Limited nắm giữ cho PMH Holding, công ty đăng ký tại British Virgin Islands, bằng hình thức quà tặng. Hai năm sau, ông Thái Sùng Tín trở thành giám đốc duy nhất của PMH Holding. 5 năm sau, vào năm 2010, MFG đã mua lại gần như cùng một lượng vốn chủ sở hữu từ PMH.

Theo báo cáo, Craig Geoffrey, giáo sư Khoa Tài chính tại Đại học Toronto, tin rằng số cổ phiếu này là khoản bồi thường cho các cổ đông của Alibaba Group, bao gồm cả chính ông Thái Sùng Tín. Ông Thái rõ ràng đã xử lý một số giao dịch của Alibaba thông qua một số lượng công ty nước ngoài, bao gồm cả kế hoạch niêm yết.

Ngày 19/9/2014, Tập đoàn Alibaba chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York với mã chứng khoán “BABA”. Tổ chức niêm yết BABA (Alibaba Group Holding Limited) được đăng ký tại Quần đảo Cayman.

Trên thực tế, không chỉ ông Thái Sùng Tín mà Jack Ma, người sáng lập chính của Tập đoàn Alibaba, cũng vận hành khối tài sản của mình thông qua các công ty ở nước ngoài.

Ví dụ: vào ngày 13/11/2019, Alibaba Group Holding Co., Ltd. (còn gọi là Alibaba Cayman) đã đệ trình Bộ dữ liệu sau điều trần của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (sách trắng), cho thấy Jack Ma đã thông qua việc nắm giữ 70% APN Ltd. (một công ty thuộc Quần đảo Cayman) nắm giữ 280.000.000 cổ phiếu của Alibaba Cayman.

Cayman là một trong bốn địa điểm tài chính nước ngoài lớn nhất trên thế giới và cũng là trung tâm ngân hàng nước ngoài lớn nhất trên thế giới. Không có kiểm soát ngoại hối ở Quần đảo Cayman và các quỹ có thể ra vào tự do. Các loại thuế hiện có ở Quần đảo Cayman là thuế giao dịch đất đai, thuế đóng dấu, thuế lưu trú du lịch và phí cấp giấy phép kinh doanh.

Thuế đóng dấu chủ yếu được đánh vào bất động sản. Mọi chuyển nhượng hoặc thế chấp bất động sản ở Cayman đều phải chịu thuế đóng dấu. Trên quần đảo không có thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài sản chung, không có thuế lãi suất, thuế thu nhập vốn, thuế tài sản và thuế thừa kế, do đó Quần đảo Cayman được coi là một thiên đường thuế thực sự. Quần đảo Cayman nhận được một sắc lệnh hoàng gia vào năm 1978 vẫn có hiệu lực cho đến ngày nay, quy định rằng quần đảo này có thể được miễn thuế vĩnh viễn.

Vì vậy, Jack Ma đã tiến hành lập kế hoạch thuế thông qua việc thành lập công ty Cayman. Các công ty đăng ký tại Quần đảo Cayman sẽ không phải chịu thuế thu nhập và thuế tăng vốn, họ đã khéo léo tránh thuế thu nhập cá nhân ở Trung Quốc.

Lý Chính Hâm/ Vision Times

Xem thêm: