Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Tư (19/5) đã chỉ trích các quan chức Hải quan Hoa Kỳ vì chặn một lô hàng áo sơ mi của hãng Uniqlo (Nhật Bản) do lo ngại hãng vi phạm lệnh cấm đối với các sản phẩm cotton được sản xuất ở vùng Tân Cương, Trung Quốc, nơi đã có báo cáo về lao động cưỡng bức.

Embed from Getty Images

Lô hàng đã bị tạm giữ vào ngày 5 tháng 1 tại cảng Los Angeles, nhưng việc này chỉ được biết đến rộng rãi khi Reuters đưa tin hôm thứ Tư.

Bài báo trích dẫn các tài liệu hải quan ngày 10 tháng 5 cho biết lô áo sơ mi bị thu giữ do nghi ngờ vi phạm lệnh cấm lao động cưỡng bức và đơn phản đối của công ty mẹ Fast Retailing của Uniqlo đã bị từ chối.

Uniqlo đã lập luận và cung cấp bằng chứng rằng bông thô được sử dụng để sản xuất áo sơ mi không có nguồn gốc từ Công ty Xây dựng và Sản xuất Tân Cương. Tuy nhiên, Uniqlo đã không cung cấp đủ thông tin để xác định rằng các mặt hàng không được sản xuất một phần bởi lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương, theo cơ quan hải quan.

Uniqlo là một trong số các thương hiệu thuộc sở hữu của Fast Retailing, công ty may mặc lớn nhất ở châu Á. Công ty này là của Nhật Bản, nhưng cũng giống như nhiều công ty may mặc quốc tế khác, hãng đang bị giám sát chặt chẽ do mua bông từ Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động nô lệ từ người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Các nhóm nhân quyền đã gây áp lực buộc các công ty may mặc phải cam kết rằng họ sẽ không sử dụng bông do nô lệ thu hoạch, dù nhận thức được rằng đây sẽ là một lời hứa khó thực hiện, bởi vì Trung Quốc cung cấp phần lớn bông trên thế giới và 84% bông của Trung Quốc đến từ Tân Cương.

“Hầu hết mọi thương hiệu may mặc lớn và nhà bán lẻ bán sản phẩm cotton đều có khả năng liên đới. Hiện tại, gần như chắc chắn rằng bất kỳ thương hiệu nào tìm nguồn cung ứng quần áo, hàng dệt, sợi hoặc bông từ vùng có người Duy Ngô Nhĩ sinh sống đang thu lợi từ các vi phạm nhân quyền, bao gồm cả lao động cưỡng bức,” Liên minh Kết thúc Cưỡng bức Lao động ở Vùng Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức bao gồm gần 200 nhóm nhân quyền và lao động trên toàn thế giới, đã cảnh báo vào tháng 7 năm 2020.

Vào tháng 12 năm 2020, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) cho biết người Mỹ lo ngại về lao động nô lệ và “một số vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất đang tồn tại ngày nay trong thế giới hiện đại”. Người tiêu dùng Mỹ cũng kêu gọi nên tránh mua quần áo “Sản xuất tại Trung Quốc” (Made in China). Lệnh cấm nhập khẩu lô hàng Uniqlo vào tháng 1 năm 2021 đã được ban hành trong khoảng thời gian này.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu phản ứng lại các chiến dịch nhân quyền vào mùa xuân này, bắt đầu bằng một cuộc tấn công toàn diện vào công ty thời trang Thụy Điển H&M và hãng đồ thể thao khổng lồ Nike của Mỹ. ĐCSTQ đã sử dụng vũ khí kinh tế “sức mạnh sắc bén” của mình để cho các công ty này biết rằng họ cần phải kiềm chế những lời chỉ trích về lao động cưỡng bức nếu họ muốn duy trì quyền tiếp cận thị trường có giá trị của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư đã trả lời báo cáo của Reuters về Uniqlo bằng cách khẳng định “không có lao động cưỡng bức ở Tân Cương” và các báo cáo ngược lại là “những lời nói dối được lan truyền bởi một số chính trị gia ở Mỹ và phương Tây, hoàn toàn là một âm mưu thâm độc từ phương Tây. Các quốc gia và lực lượng chống Trung Quốc đã áp bức một số doanh nghiệp và ngành công nghiệp của Trung Quốc dưới chiêu bài nhân quyền nhằm gây bất ổn Tân Cương và kiềm chế Trung Quốc”.

“Các động thái của Hoa Kỳ đang thực hiện là hành vi bắt nạt xuyên suốt,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói. Phát biểu của ông Triệu được đưa ra hai tháng sau khi Trung Quốc đe dọa ngành công nghiệp may mặc trên toàn thế giới rằng sẽ làm phá sản các hoạt động của họ ở Trung Quốc nếu họ không giữ im lặng về cưỡng bức lao động trong Tân Cương.

Lê Vy

Xem thêm: