Ngày 15/9, Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc hoan nghênh lệnh ngừng bắn được công bố giữa Armenia và Azerbaijan sau hai ngày bạo lực liên quan đến tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ về lãnh thổ Nagorno-Karabakh giữa các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

shutterstock 1826855534
(Ảnh minh họa: klenger /Shutterstocks)

Cuộc giao tranh mà hai bên cùng đổ lỗi cho nhau đã khiến hơn 170 binh sĩ thiệt mạng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ kéo Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ Azerbaijan cùng đồng minh của Armenia là Nga vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn, trong thời điểm căng thẳng địa chính trị vốn đã lên cao.

Một quan chức cấp cao của Armenia cho hay, lệnh ngừng bắn đã được thỏa thuận giữa hai bên vào cuối ngày thứ Tư (14/9). Nga, quốc gia có hiệp ước tự vệ với Armenia và đặt một căn cứ quân sự ở nước này đã tuyên bố ủng hộ thỏa thuận nói trên.

“Chúng tôi hoan nghênh việc chấm dứt thù địch giữa Azerbaijan và Armenia, và sẽ tiếp tục làm việc với các bên để tìm cách củng cố thỏa thuận,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng bày tỏ trên Twitter.

Tối hôm 15/9, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, lệnh ngừng bắn “dường như vẫn đang được duy trì”.

“Nhưng các sự kiện của tuần trước đã phản ánh rõ nhu cầu quan trọng trong việc cần có bước tiến thực sự đối với một tiến trình hòa bình toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản thúc đẩy cuộc xung đột này,” vị quan chức nói thêm.

Trước khi lệnh ngừng bắn được công bố, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố, các lực lượng Azerbaijan đã tấn công và chiếm giữ một số khu định cư của người Armenia dọc theo biên giới chung của họ, trên lãnh thổ ngoài khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Baku khẳng định họ chỉ đang đáp trả “các hành động khiêu khích”.

Theo hãng tin Tass, một phái đoàn giám sát từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Moscow dẫn đầu đã đến Yerevan hôm 15/9 và tiến hành hội đàm với các quan chức quốc phòng. Cả Nga và Armenia đều là thành viên của tổ chức này, trong khi Azerbaijan không gia nhập.

Ngày 15/9, trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Miroslav Jenca nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế phải duy trì cam kết đầy đủ trong việc thúc đẩy giải pháp hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan.”

Tờ Politico đưa tin, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi sẽ đến Armenia vào cuối tuần này để bày tỏ sự ủng hộ và Dân biểu Jackie Speier, người gốc Armenia sẽ tháp tùng bà.

Cùng ngày 15/9, Nga thông báo họ đang tìm cách đảo ngược bất kỳ sự thay đổi nào trong cán cân quân sự của khu vực xảy ra do hậu quả của cuộc giao tranh.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên: “Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cả hai nước, để đạt được một lệnh ngừng bắn bền vững, đồng thời đưa quân đội Azerbaijan và Armenia trở lại vị trí ban đầu của họ.”

Đáp lại, Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những nỗ lực của Nga đã đóng góp một cách tích cực trong việc đảm bảo lệnh ngừng bắn gần đây nhất trong tuần này.”

Thứ trưởng Quốc phòng Armenia trao đổi với Reuters, cuộc xung đột có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện, trong khi một số nhà phân tích cho rằng Baku đang cố gắng lợi dụng cuộc chiến của Nga ở Ukraine để nâng cao vị thế của mình. 

Ông Jenca nhìn nhận: “Các sự kiện trong tuần này cũng là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan cũng có khả năng gây mất ổn định khu vực.”

Cuộc giao tranh đã trở nên đẫm máu nhất trong gần hai năm kể từ cuộc chiến kéo dài sáu tuần vào năm 2020 khiến hàng nghìn người thiệt mạng, và Azerbaijan đã giành được những lợi ích đáng kể về lãnh thổ trong và xung quanh Nagorno-Karabakh.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 14/9 cho biết, 105 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và Armenia đã mất quyền kiểm soát đối với 10km2 lãnh thổ đất nước vào tay các lực lượng Azerbaijan sau 2 ngày giao tranh pháo kích lẫn nhau. Phía Azerbaijan hiện mới chỉ xác nhận 50 binh sĩ thương vong trong ngày 13/9.

Minh Ngọc (Theo Reuters)