Sức mạnh của nước Mỹ đến từ đâu? Chính phủ? Kinh tế hay quân sự?

Embed from Getty Images

Trong sự càn quét chưa có tiền lệ của đại dịch virus corona Vũ Hán, giới truyền thông liên tục kêu gọi chính phủ Mỹ phải có các hành động to lớn, quyết liệt và các khoản chi tiêu khổng lồ hơn nữa để đưa đất nước thoát khỏi đại dịch.

CNN: “Chúng ta cần thêm rất nhiều hành động từ chính phủ”. 

Newsweek: “Gói cứu trợ 2 nghìn tỷ đô chỉ là bắt đầu”. 

Thượng nghị sĩ Đảng dân chủ Maggie Hassan trên CNN kêu gọi Tổng thống Trump không chỉ kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng mà phải thực sự thực thi nó. Đây là một đạo luật thời chiến, cho phép chính phủ liên bang cưỡng ép một công ty phải sản xuất sản phẩm theo ý chính phủ, như thiết bị y tế trong đại dịch này.

Trước những sức liên tục từ phe truyền thông và giới nghị sĩ Đảng Dân chủ về việc dùng đạo luật này, ông Trump đã trả lời sao?

“Chúng ta không phải là một quốc gia sống dựa vào việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp. Hãy gọi cho một người ở Venezuela và hỏi họ việc quốc hữu hóa các ngành kinh tế đã làm được gì cho họ? Chẳng có gì tốt”, ông Trump nói trong một buổi họp báo.

Ông đã đúng về điểm này. Việc chính phủ can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp chỉ dẫn đến chi phí tăng cao, hoạt động kém linh hoạt và năng suất thấp hơn. Venezuela ngồi trên những mỏ dầu lớn nhất thế giới, nhưng sau khi chính phủ quốc hữu hóa ngành dầu mỏ, tham nhũng và quan liêu đã khiến các công ty dầu mỏ quốc doanh hoạt động kém đến mức không có đủ dầu để đảm bảo cho người dân của chính họ. Đài PBS có một phóng sự về nghịch lý tại Venezuela, trong đó họ phỏng vấn những người lái xe phải chờ đợi trước trạm xăng 24 giờ đồng hồ, chỉ để được nhân viên nói lại rằng xăng đã hết.

Ngày nay, nghèo đói, bạo lực và bất ổn đang nhấn chìm Venezuela, và hơn 4 triệu dân số đã phải bỏ chạy ra nước ngoài, bất chấp từng là một trong những nước giàu có nhất lục địa Nam Mỹ.

Khi chính phủ ra lệnh cho các công ty để làm việc, công ty đó không thể sáng tạo, họ mất dần khả năng tự điều chỉnh theo yêu cầu của thị trường. Không may là mặc dù ông Trump nói ông sẽ không ra lệnh cho các công ty phải làm cái gì đó, sau khi mệt mỏi với việc thuyết phục General Motors sản xuất máy trợ thở, ông đã dùng Đạo Luật sản xuất Quốc phòng để ra lệnh cho GM. Kiểu kinh tế tập trung mệnh lệnh này, trong dài hạn sẽ mang đến hậu quả nghiêm trọng.

Trên thực tế, chưa cần đợi chính phủ ra lệnh, người Mỹ đã sẵn sàng lấp lỗ hổng sản xuất.

Các hãng sản xuất ô tô từ Ford đến cả Tesla ngay lập tức có thể chuyển đổi công năng để sản xuất máy thở. Tesla cũng cam kết tái tổ chức nhà máy sản xuất pin mặt trời của mình để sản xuất thêm máy thở.

Các công ty sản xuất rượu thì chuyển sang làm nước rửa tay có cồn. Theo CBS, công ty rượu của 2 anh em nhà Moore, trước đó sản chuyên sản xuất rượu hạng sang, nay họ cung cấp nước rửa tay cồn và phát miễn phí cho người Mỹ trong cơn khủng hoảng.

Chúng tôi có thể làm và phát đi hàng ngàn gallon mỗi ngày”, Moore nói.

Đây không chỉ là làm từ thiện, bởi nếu khách hàng nhớ đến hành động tốt đẹp của họ, công ty sẽ có lợi về sau. Ford cũng lập trình lại các máy in 3D của mình để sản xuất khẩu trang. Họ theo đuổi lợi nhuận, và điều đó không có gì sai. Trong thị trường tự do có rất ít sự can thiệp của chính phủ, lợi nhuận thúc đẩy sản xuất và thúc đẩy sự sáng tạo.

Khi chính phủ Mỹ thất bại trong việc sản xuất đủ bộ kit test virus corona, các công ty tư nhân bước lên để lấp đầy chỗ trống. Trong nhiều trường hợp, sự sáng tạo của lĩnh vực tư nhân là quá nhanh đối với chính phủ. FDA đã chưa thể chuẩn thuận được loại kit test tại nhà để người dân tự sử dụng. Abbott Labs sản xuất được bộ kit cho kết quả chỉ sau 5 phút. Ngay sau đó, FDA lại gấp rút phê chuẩn cho bộ xét nghiệm của công ty Body Sphere, có thể phát hiện virus corona chỉ trong gần hai phút. Các sáng tạo này thúc đẩy năng lực xét nghiệm của Mỹ, vốn ban đầu bị chỉ trích là quá chậm chạp, nay đã trở thành số một thế giới. Mỹ đã xét nghiệm trên 1 triệu người với tốc độ hơn 50.000 người một ngày. Đây là một trong những lý do tại sao con số người nhiễm COVID-19 ở Mỹ cao nhất thế giới.

Giới lái xe tải chuyển hàng cũng bước vào cuộc chiến để giữ cho nước Mỹ vững vàng trong đại dịch, họ đang làm việc ngày đêm để đưa hàng hóa từ nhà máy tới các cửa hàng tạp hóa. Chính phủ Trump đã nhanh chóng bỏ qua quy định lái xe chỉ được làm việc tối đa 11 giờ một ngày.

Chúng tôi không từ bỏ, chúng tôi không dừng lại. Chúng tôi làm việc này vì chúng tôi yêu nước Mỹ”, một lái xe tải nói trong video phỏng vấn của Fox17.

“Trên các kệ hàng không còn giấy vệ sinh, không còn gì cả, vì vậy chúng tôi phải tiếp tục làm việc”. 

Không chờ đợi sự chỉ dẫn, quá thường xuyên là đi kèm thiếu sót của chính phủ, các ngành kinh tế đã tự linh hoạt để tồn tại và góp phần chống dịch bệnh. Một số siêu thị tại Mỹ đã đưa ra khung giờ mua sắm sớm nhất trong ngày “chỉ dành cho người già” để bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương vì virus corona nhất. Các kệ hàng được vệ sinh và chất hàng ngay trong đêm để các công dân cao tuổi có thể mua được những gì họ cần trước tiên và tránh tiếp xúc với các mẫu virus mà người trẻ hơn để lại.

Yêu cầu cách ly xã hội 30 ngày có thể khiến nền kinh tế Mỹ tê liệt. Chính phủ Liên bang đã phải nhanh chóng tung ra gói cứu trợ khổng lồ, trong đó tiền mặt sẽ chuyển đến tận tay khoảng 80% dân số. Tuy nhiên, ai cũng biết hậu quả của việc chính phủ vung tay quá trớn và in tiền ồ ạt nghiêm trọng ra sao: lạm phát, giá cả tăng mạnh, tiền giấy mất giá, kéo theo chuỗi vỡ nợ và khủng hoảng. Và nếu đại dịch này còn kéo dài thì chính phủ có thể “bao nuôi” đến khi nào?

Rất nhiều doanh nghiệp không chịu ngồi im bỏ cuộc. Mặc dù số lượng thất nghiệp tại Mỹ đang tăng cao, nhưng nếu được tự do để thích nghi, lĩnh vực tư nhân sẽ tạo ra việc làm mới. Sau khi chính phủ cấm ăn uống tại nhà hàng, một số nhà hàng đã ngay lập tức thay đổi: phục vụ bàn trở thành người giao hàng và nhân viên quán bar trở thành người bán hàng qua điện thoại.

Các công ty sản xuất khẩu trang và giao hàng tuyển thêm người. Công ty may mặc thì chuyển sang sản xuất khẩu trang. Amazon thuê thêm 100.000 nhân viên kho hàng và vận tải, Wal-mart thuê thêm 150.000 nhân viên mới. Facebook tuyên bố trợ cấp 100 triệu USD tiền mặt và tín dụng quảng cáo cho 30.000 doanh nghiệp nhỏ và thưởng thêm 1.000 USD cho nhân viên của mình trong mùa dịch.

Hiến pháp của Mỹ được viết ra không phải để chính phủ kiềm chế người dân, mà là để người dân kiềm chế chính phủ”, Thượng nghị sĩ Paul Rand nhận định. Người dân Mỹ, với sự sáng tạo, tháo vát trong thị trường tự do mà không bị các luật lệ hà khắc và quy tắc quan liêu của chính phủ trói chân, mới là những người sẽ giúp nước Mỹ chiến thắng đại dịch này.

Trọng Đức

Xem thêm: