Cuối tháng 6 vừa qua, tiến sĩ Jacob M. Appel, giám đốc giáo dục đạo đức tâm thần học tại Trường Y Icahn, New York, và giáo sư Eric Trump thuộc khoa tiếng Đức tại Học viện Vassar, New York, đã đăng tải bài bình luận trên tờ Times Union, kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép lên ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc vì tội ác thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài bình luận, bản gốc xem tại đây.

Học giả Hoa Kỳ kêu gọi gây sức ép quốc tế lên ngành công nghiệp ghép tạng của TQ
(Ảnh minh họa: David Tadevosian/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Thế vận hội mùa đông tại Trung Quốc sẽ được tổ chức vào tháng 2 năm 2022. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ, Canada và Úc, cùng với hơn 180 tổ chức nhân quyền trên toàn thế giới đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội để phản đối những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên nếu kỳ vọng rằng việc tẩy chay Thế vận hội sẽ làm thay đổi hành vi của chế độ Trung Quốc thì quả là ngây thơ.

Thay vì thực hiện một cử chỉ mang tính biểu tượng và khái quát, một cử chỉ sẽ gây thiệt hại chủ yếu đối với các vận động viên của chúng ta, hãy thực hiện một hành động cụ thể để giảm thiểu một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất của chế độ Trung Quốc. Hãy giảm thiểu việc hành quyết phi pháp các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng phục vụ các ca cấy ghép cho công dân Trung Quốc và người nước ngoài du lịch ghép tạng tới Trung Quốc.

Tại Hoa Kỳ, chúng ta có những người hiến tạng đồng ý cung cấp nội tạng để cấy ghép. Việc mua hoặc bán nội tạng là bất hợp pháp vì những người không tình nguyện hiến tạng có thể bị lấy tạng. Mặc dù hệ thống phân bổ nội tạng ở Hoa Kỳ còn có những sai sót, nhưng hệ thống này không cho phép các bộ phận cơ thể người trở thành những món hàng.

Ở Trung Quốc thì khác. Hai báo cáo gần đây đã tiết lộ những chi tiết đáng kinh ngạc về cách chính quyền Trung Quốc thực hiện việc thu hoạch nội tạng. Thứ nhất là “Diệt chủng [bằng] y học” (Medical Genocide), một cuốn sách xuất bản năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ. Thứ hai là báo cáo của Tòa án [điều tra cáo buộc thu hoạch nội tạng tại] Trung Quốc năm 2020, kết quả của một cuộc điều tra tư pháp độc lập do Liên minh Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC) khởi xướng.

Vào năm 2000, ngành công nghiệp cấy ghép khiêm tốn của Trung Quốc đã phát triển theo cấp số nhân, đây cũng chính là thời điểm chính quyền bắt đầu giam giữ những người theo tập môn thực hành tâm linh Pháp Luân Công. Trịnh Thụ Sâm, một bác sĩ phẫu thuật ghép gan nổi tiếng của Trung Quốc và là chủ tịch của Hiệp hội chống tà giáo tỉnh Chiết Giang, đã dán nhãn Pháp Luân Công là một “tà giáo” và là một “vi-rút”. Những thái độ tương tự như của Trịnh Thụ Sâm đã biến những người theo tập trở thành kẻ thù của nhà nước – và khiến họ trở thành một kho nội tạng trị giá hàng triệu đô-la. Những người tập Pháp Luân Công bị giam giữ đã mô tả việc họ phải trải qua các cuộc kiểm tra chiếu chụp và kiểm tra y tế thường xuyên, những cuộc kiểm tra điển hình cần làm trước khi lựa chọn nội tạng cấy ghép.

Trước áp lực quốc tế, vào năm 2015, chế độ Trung Quốc đã tạo ra một hệ thống phân bổ nội tạng tự nguyện, mặc dù dữ liệu của nó lại không minh bạch và không toàn diện. Khối lượng cấy ghép chính thức hàng năm của Trung Quốc dao động ở mức 10.000. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cấy ghép khổng lồ của nước này đã cho thấy sự dối trá của con số ấy. Đến năm 2006, Trung Quốc có 500 bệnh viện thực hiện cấy ghép. Xem xét chỉ một bệnh viện chuyên cấy ghép gan là Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Phương Đông Thiên Tân, thì bệnh viện này đã có 500 giường ghép chuyên dụng, tương ứng với khoảng 6.000 ca cấy ghép mỗi năm. Con số này xấp xỉ số ca ghép gan hàng năm được thực hiện trên toàn Hoa Kỳ.

Hơn nữa, thời gian chờ đợi nội tạng cấy ghép tại Trung Quốc được tính bằng ngày hoặc tuần chứ không phải tháng hay năm. Nam diễn viên Trung Quốc Phó Bưu (Fu Biao) nhận gan chỉ một tuần sau khi được chẩn đoán ung thư. Khi nội tạng bị đào thải, ông tiếp tục được cấy ghép một tháng sau đó. Việc nhận tạng quay vòng nhanh chóng như vậy là chưa từng có trong một hệ thống hiến tạng tự nguyện. Trên thực tế, Trung Quốc cung cấp dịch vụ cấy ghép nội tạng theo yêu cầu cho khách du lịch. Trong một trường hợp được ghi chép rõ ràng, một bệnh nhân người Israel đã bay đến Trung Quốc vào năm 2005 để cấy ghép tim, và ca cấy ghép đã được lên lịch trước đó hai tuần. Cách duy nhất để lên kế hoạch cấy ghép tim là phải chọn trước một nạn nhân để lấy tim của họ.

Thay vì dựa vào hành động của các chính phủ, cộng đồng y tế quốc tế có thể thực hiện các biện pháp để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản. Cho đến khi Trung Quốc có thể chứng minh được rằng họ đã ngừng kiếm lợi từ việc thu hoạch nội tạng của những công dân “không mong muốn”, các nhà nghiên cứu cấy ghép cần từ chối chia sẻ kiến thức y khoa với các đối tác Trung Quốc. Các tạp chí có thể chọn không công bố nghiên cứu cấy ghép tới từ Trung Quốc trừ khi các nhà nghiên cứu chứng minh nội tạng đến từ những người hiến tặng tự nguyện. Cộng đồng cấy ghép cần từ chối sự tham gia của các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép Trung Quốc trừ khi họ có thể chứng minh rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức được quốc tế chấp nhận. Một số quốc gia đã hành động. Israel, Ý, Tây Ban Nha và Đài Loan đã thông qua luật cấm du lịch ghép tạng. Năm 2006, hai bệnh viện cấy ghép lớn ở Queensland, Úc, đã cấm các chương trình nghiên cứu chung về ghép tạng với Trung Quốc.

Sẽ phải mất một thời gian dài để những hành động mạnh mẽ như vậy trên quy mô quốc tế có thể gây áp lực buộc Trung Quốc phải cho phép giám sát ngành công nghiệp cấy ghép, và có lẽ một ngày nào đó, là cải tổ nó. Cho đến khi đó, cộng đồng phẫu thuật của Trung Quốc sẽ hoạt động dưới một đám mây đen của sự tẩy chay.

Tác giả: Jacob M. Appel & Eric Trump
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: