Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang thăm Moscow, đã gặp Thủ tướng Nga vào thứ Ba (ngày 21/3). Ông Tập cũng đã có cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ký kết một loạt văn kiện. Song song đó, cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, quân đội Nga không hề giảm bớt lực tấn công.

GettyImages 1248858757 scaled
Hôm 20/3/2023, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Moscow. (Nguồn ảnh: SERGEI KARPUKHIN/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Sau cuộc hội đàm, ông Putin cho biết, kế hoạch hòa bình của ông Tập Cận Bình có thể được sử dụng làm nền tảng để giải quyết hòa bình xung đột Nga – Ukraine. Nhưng các chuyên gia nói rằng ông Tập và ông Putin dường như không đạt được nhất trí về những việc cần làm tiếp theo trong kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh.

Các cuộc pháo kích của Nga đã giết chết ít nhất 2 thường dân và làm bị thương 3 người khác ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine trong 24 giờ qua, khi Nga một lần nữa tăng cường lực độ tấn công trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, ít nhất 8.317 thường dân đã thiệt mạng và 13.892 người khác bị thương ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2/2022.

Bước tiếp theo trong kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh sẽ như thế nào?

Cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Tập hôm thứ Ba kéo dài 3 giờ. Ông Putin cho biết, khi phương Tây và Kyiv chuẩn bị sẵn sàng, thì đề xuất của Bắc Kinh về một kế hoạch hòa bình cho Ukraine có thể là nền tảng để giải quyết hòa bình vấn đề Ukraine.

“Chúng tôi tin rằng nhiều điểm trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc phù hợp với quan điểm của Liên bang Nga, trong đó có nhiều điểm có thể được phương Tây tiếp thu,” ông Putin nói.

Theo tuyên bố chung Trung – Nga được truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Tân Hoa Xã công bố, Nga hoan nghênh các đề xuất mang tính xây dựng được nêu trong văn kiện hòa bình của Bắc Kinh. Hai bên kêu gọi chấm dứt mọi hành động gây căng thẳng, trì hoãn chiến tranh, để tránh làm khủng hoảng trầm trọng thêm, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát. Cả hai bên đều phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép.

Theo BBC, bà Yu Jie, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham House của Anh, cho rằng cùng với việc kết thúc hội đàm ở Moscow, hai bên dường như chưa đạt được nhất trí về các bước tiếp theo trong “kế hoạch hòa bình” ở Ukraine của Bắc Kinh.

Đối với những lời của ông Putin — “Miễn là phương Tây và Kyiv sẵn sàng, nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể được sử dụng làm nền tảng để giải quyết xung đột Ukraine.” Bà Yu Jie nói rằng, tổng thống Nga hiểu rất rõ ràng rằng Phương Tây và Kyiv chưa sẵn sàng chấp nhận đề xuất này.

“Đương nhiên, ông Tập Cận Bình và ông Putin cùng bày tỏ hài lòng về việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại trên nhiều lĩnh vực. Đây dường như là vấn đề ít khó khăn nhất trong hội nghị thượng đỉnh song phương lần này,” bà nói.

Điều phối viên liên lạc chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm thứ Hai (ngày 20/3) đã nói rõ, Mỹ lo ngại rằng ông Tập chỉ kêu gọi ngừng bắn giữa hai bên mà không yêu cầu Nga rút quân. Điều này sẽ giữ quân đội Nga trong lãnh thổ mà Ukraine có chủ quyền.

Ông nói: “Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào không liên quan đến việc rút quân đội Nga khỏi Ukraine, đều sẽ chứng thực một cách hiệu quả cuộc chinh phục bất hợp pháp của Nga”.

Hôm thứ Hai, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ về công bố Báo cáo nhân quyền 2022, ngoại trưởng Blinken nói rằng, “Thế giới không nên bị đánh lừa bởi bất kỳ động thái chiến thuật nào của Nga nhằm đóng băng chiến tranh theo cách riêng của mình, dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.”

Ông nói, bất kỳ kế hoạch nào không ưu tiên các nguyên tắc quan trọng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cùng lắm thì cũng chỉ là một chiến thuật trì hoãn, hoặc giả chỉ là tìm cách thúc đẩy một kết quả bất công.

Các quan chức Ukraine nói với CNN rằng họ đang thảo luận với Trung Quốc về việc sắp xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Tập Cận Bình, để thảo luận về kế hoạch hòa bình do Trung Quốc (ĐCSTQ) đề xuất.

Nếu cuộc đối thoại diễn ra, đây sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga – Ukraine. Tuy nhiên, quan chức cấp cao Ukraine nói thêm rằng “chưa có bố trí cụ thể”.

Hai bên đã nói gì tại cuộc hội đàm Tập – Putin?

Hôm thứ Ba, ông Putin đã tổ chức một cuộc gặp chính thức với ông Tập Cận Bình tại Moscow. Cuộc gặp này bao gồm hai vòng đàm phán Nga – Trung và cũng sẽ bao gồm một lễ ký kết văn kiện, một cuộc họp báo và một bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước.

Trước cuộc gặp mở rộng theo lịch trình với ông Tập, Putin cho biết ông và ông Tập đã có một cuộc trò chuyện quan trọng vào ngày hôm qua về “chương trình nghị sự toàn diện và các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách” giữa Nga và Trung Quốc.

Ông Putin cho biết, Moscow sẵn sàng hỗ trợ các công ty Trung Quốc thay thế các công ty phương Tây đã rời khỏi Nga kể từ sau chiến tranh Nga – Ukraine. Nga cũng “có khả năng đáp ứng nhu cầu đối với các nguồn năng lượng ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc”.

Ông Tập Cận Bình cho biết, các lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc và Nga tiếp tục mở rộng, sự đồng thuận tiếp tục sâu sắc hơn, đã thấy được những thành quả của sự hợp tác ban đầu và các công việc tiếp theo đang được triển khai toàn diện.

Theo cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã ký một tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới, nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua đàm phán hòa bình.

Tại cuộc họp báo, ông Tập Cận Bình cho biết đã đạt được sự đồng thuận với ông Putin rằng hai bên cần mở rộng thương mại về năng lượng, tài nguyên và các sản phẩm cơ điện, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của chuỗi công nghiệp hai nước, mở rộng hợp tác về thông tin công nghệ, kinh tế số, nông nghiệp và thương mại dịch vụ.

Sau khi ông Tập đến Moscow vào thứ Hai, ông đã tổ chức một cuộc gặp không chính thức với ông Putin trong bốn tiếng rưỡi.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, ông Putin và ông Tập đã trao đổi quan điểm “kỹ lưỡng” trong cuộc gặp hôm thứ Hai, nhưng ông không bình luận về kết quả của cuộc gặp ngày đầu tiên.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc và Nga đều xác nhận rằng ông Tập đã mời ông Putin và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thăm Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các cuộc gặp định kỳ giữa thủ tướng 2 nước.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời người phát ngôn của thủ tướng Nga cho biết, ông Mishustin đã nhận lời mời của ông Tập Cận Bình.

Chuyên gia: Cả ông Tập và ông Putin đều có áp lực, ông Putin căng thẳng hơn

Theo Reuters, sau khi các chuyên gia phân tích đoạn video về cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Putin hôm thứ Hai, đã cho rằng ông Putin tỏ ra lo lắng hơn. Bà Louise Mahler, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể và hành vi lãnh đạo ở Melbourne, Úc, cho biết khi ông Tập và ông Putin ngồi xuống giao tiếp thông qua phiên dịch và chào nhau “bạn bè thân ái” , ông Putin không hề ngồi một cách thoải mái, chân của ông ấy co rúm, nhìn chằm chằm xuống sàn, điều này ám thị sự bất an tiềm ẩn.

Bà Karen Leong, giám đốc điều hành của Influence Solutions có trụ sở tại Singapore, phát hiện rằng có những dấu hiệu cho thấy ông Tập cũng đang bị áp lực. Ông ấy chớp mắt thường xuyên một cách bất thường khi ngồi xuống.

Kim Hyung-hee, giám đốc Phòng thí nghiệm ngôn ngữ cơ thể Hàn Quốc, nói rằng cái bắt tay chặt và cả hai cố gắng tránh giao tiếp bằng mắt, cho thấy hai bên đều có rất nhiều mối quan hệ cân nhắc lợi hại.

“Họ kỳ vọng rất cao vào cuộc gặp này. Bạn có thể thấy không khí căng thẳng ở đó – không có những người bạn thực sự trong chính trị.”

Cuộc gặp của Thủ tướng Nhật và ông Zelensky trái ngược với cuộc gặp của ông Tập và ông Putin

Trái ngược hoàn toàn với cuộc gặp của ông Tập và ông Putin, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến Ukraine, nơi bị pháo kích tàn phá hôm thứ Ba (ngày 21/3) để gặp ông Zelensky. Ông Fumio Kishida trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên sau chiến tranh đến thăm một khu vực chiến tranh đang đang diễn ra.

Washington Post cho biết, cảnh quay ấn tượng về hội nghị thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo châu Á của hai quốc gia ở hai phía đối lập trong cuộc xung đột Nga – Ukraine nhấn mạnh mối liên hệ về sự quan tâm của ông Kishida về an ninh châu Âu và Đông Á, với việc ĐCSTQ ngày càng võ đoán tại khu vực này. Đồng thời cố gắng cho thấy rằng Nhật Bản, một quốc gia chủ yếu ở châu Á, đứng cùng các nước phương Tây phản đối Nga.

Hành động của Nga đã gây ra cảnh giác lớn ở Nhật Bản. Nhật Bản đã lo lắng rằng ĐCSTQ sẽ tấn công Đài Loan. Do vị trí địa lý, nên cuộc chiến ở eo biển Đài Loan sẽ đe dọa an ninh của Nhật Bản. Mối đe dọa từ Trung Quốc đã đẩy nhanh cuộc tranh luận về chính sách quốc phòng và an ninh của Nhật Bản. Vào tháng 12, Nhật Bản đã xem xét lại chiến lược an ninh quốc gia và tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Đây là một động thái mạnh mẽ thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa hòa bình lâu dài sau chiến tranh.

Ông Kishida đã nhiều lần cảnh báo rằng “Ukraine ngày nay có thể là Đông Á ngày mai.”

ĐCSTQ tiếp tục gửi máy bay không người lái đến Nga để sử dụng tại chiến trường Ukraine

Trong khi Trung – Nga ra  tuyên bố chung “thúc đẩy đàm phán hòa bình”, ngày 21/3, New York Times tiết lộ rằng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái, Trung Quốc đã chuyển giao máy bay không người lái trị giá hơn 12 triệu đô la Mỹ cho Nga.

Báo cáo của New York Times cho biết, theo dữ liệu thương mại chính thức của Nga, thu được từ các nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba, Bắc Kinh đã bán hơn 12 triệu đô la máy bay không người lái và các bộ phận máy bay không người lái cho Nga trong năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Điều này cho thấy Trung Quốc và Nga vẫn ngầm hợp tác với nhau.

Báo cáo cho biết, có một luồng cung cấp máy bay không người lái mới ổn định cho Nga, và cuối cùng là đến tiền tuyến của cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nó thường bị bắn hạ sau khi bay vài lần. Do đó, máy bay không người lái giống như đạn pháo và đạn, đều có những nhu cầu cơ bản.

Theo báo cáo, vào tháng trước, chính quyền Biden đã tuyên bố sẽ trấn áp các công ty bán công nghệ quan trọng cho Nga. Nhưng thế giới vẫn phụ thuộc nhiều vào dây chuyền sản xuất quy mô lớn và các nhà sản xuất linh kiện chuyên dụng của Trung Quốc. Do đó, rất khó để Mỹ cố gắng ngăn cản các nước khác cung cấp viện trợ cho Nga. Hiện cũng rất khó để xác định liệu máy bay không người lái của Trung Quốc có chứa công nghệ của Mỹ mà đang được Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hay không.

Báo cáo cho rằng Bắc Kinh ngày càng trở thành chỗ dựa quan trọng để Nga duy trì nỗ lực chiến tranh về quân sự, ngoại giao và kinh tế. Trung Quốc là một trong những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga, hỗ trợ nền kinh tế Nga và hành vi xâm lược của Nga. Hai nước cũng tổ chức diễn tập quân sự chung và cùng tấn công NATO do Mỹ đứng đầu.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, gần 70 nhà xuất khẩu đã bán 26 nhãn hiệu máy bay không người lái của Trung Quốc cho Nga, báo cáo cho biết. Bên cạnh DJI, thương hiệu máy bay không người lái lớn thứ hai là Autel.

Autel có các công ty con ở Mỹ, Đức và Ý. Các nhà xuất khẩu đã bán được số máy bay không người lái trị giá gần 2 triệu đô la từ thương hiệu này, lô hàng gần đây nhất được vận chuyển đến người mua vào tháng 2/2023.

Autel cũng quảng cáo trên trang web của mình rằng họ bán máy bay không người lái cho các sở cảnh sát trên khắp nước Mỹ.