Hơn 40 quốc gia do Canada dẫn đầu đã lên tiếng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (22/6) về các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hồng Kông và Tây Tạng.

Embed from Getty Images

Số lượng các đại sứ ký tên đã tăng từ 22 người năm 2019 lên hơn 40 người trong năm nay.

Tuyên bố chung đã được được đưa ra vào ngày thứ hai của kỳ họp thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, Thụy Sĩ.

Đại sứ Canada Leslie Norton cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.”

Tuyên bố được ủng hộ bởi Úc, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, cùng những nước khác.

Bắc Kinh phải cho phép người phụ trách nhân quyền của Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet và các quan sát viên độc lập khác “tiếp cận ngay lập tức, có ý nghĩa và không bị ràng buộc” tới Tân Cương, đồng thời chấm dứt “việc giam giữ tùy tiện” người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, tuyên bố nêu rõ.

Các báo cáo đáng tin cậy chỉ ra rằng hơn một triệu người đã bị bắt giữ tùy tiện ở Tân Cương. Ngoài ra, ĐCSTQ cũng giám sát chặt chẽ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác; đồng thời hạn chế đối với các quyền tự do cơ bản và văn hóa của họ, tuyên bố cho hay.

Tuyên bố trích dẫn các báo cáo về tra tấn; hoặc đối xử/trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và sỉ nhục nhân phẩm; cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và buộc trẻ em phải tách khỏi cha mẹ chúng.

Đại sứ Canada Bachelet nói với Hội đồng Nhân quyền hôm thứ Hai rằng bà hy vọng cuối cùng sẽ đến thăm Tân Cương trong năm nay và được “tiếp cận có ý nghĩa” tại khu vực này.

Tuyên bố chung cũng bày tỏ quan ngại về sự suy thoái của các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông và tình hình nhân quyền ở Tây Tạng.

Agnes Callamard, người đứng đầu nhóm nhân quyền của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết tuyên bố đã gửi một thông điệp quan trọng tới các nhà chức trách Trung Quốc rằng, họ không nằm ngoài sự giám sát quốc tế.

Trung Quốc, như dự đoán, đã phản ứng mạnh mẽ thậm chí từ trước khi tuyên bố chung được đưa ra. Trung Quốc phủ nhận việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, khẳng định họ chỉ đơn giản là điều hành các trung tâm đào tạo nghề được thiết kế để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Đại diện của Bắc Kinh thay mặt một nhóm quốc gia đọc tuyên bố “quan ngại sâu sắc về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người bản xứ ở Canada”.

Belarus, Iran, Triều Tiên, Nga, Sri Lanka, Syria và Venezuela nằm trong số các nước đã ký vào tuyên bố do Trung Quốc chủ trì. 

“Trong lịch sử, Canada đã cướp đất của người bản địa, giết họ và xóa bỏ nền văn hóa của họ”, tuyên bố viết.

Tuyên bố đề cập đến việc gần đây đã phát hiện 215 ngôi mộ không rõ danh tính tại một ngôi trường cũ ở miền tây Canada – một trong nhiều trường nội trú được thành lập cách đây một thế kỷ để cưỡng bức đồng hóa các dân tộc bản địa của Canada.

“Chúng tôi kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng và công bằng đối với tất cả các tội ác đã được thực hiện đối với người dân bản địa, đặc biệt là trẻ em”, tuyên bố cho biết.

Đại diện của Belarus đã đọc một tuyên bố chung khác thay mặt cho 64 quốc gia ủng hộ Trung Quốc và nhấn mạnh rằng Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tại Ottawa, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada đã thừa nhận và đang tìm cách sửa chữa những hành vi sai trái đối với người dân bản địa.

“Ở Canada, chúng tôi đã có một ủy ban hòa giải và sự thật,” ông nói với các nhà báo. “Sự thật và ủy ban hòa giải của Trung Quốc ở đâu? Sự thật của họ ở đâu?”

Ông nói: “Hành trình hòa giải là một chặng đường dài, nhưng đó là một chặng đường mà chúng ta đang thực hiện. Còn Trung Quốc không nhận ra rằng họ có vấn đề.”

“Đó là một sự khác biệt khá cơ bản và đó là lý do tại sao người Canada và mọi người từ khắp nơi trên thế giới đang lên tiếng bảo vệ những người như người Duy Ngô Nhĩ, những người không có tiếng nói, hiện đang phải đối mặt với một chính phủ không thừa nhận những gì đang xảy ra với họ,” Thủ tướng Canada nói.

Ngân Hà (theo AFP)

Xem thêm: