Quan chức Hungary Gergely Gulyas phát biểu trên một đài phát thanh hôm 1/5, trong khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã tuyên bố công khai rằng họ sẽ không mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp như Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu, nhưng về mặt kỹ thuật thì có 10 quốc gia EU lại đang thực hiện theo kế hoạch của ông Putin.

shutterstock 1171315135
Petersburg, Nga ngày 07/08/2018. Bể chứa xăng dầu của đường ống dẫn dầu của Transneft Nga tại Cảng Ust-Luga. (Ảnh: Grigvovan / Shutterstock).

Theo ông Gulyas – Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban, các nhà lãnh đạo của các quốc gia này không thừa nhận việc tuân thủ phương thức thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp để được coi là “là một người châu Âu tốt”.

Ông Gulyas cho hay, Hungary đã mở một tài khoản sử dụng đồng euro với ngân hàng Gazprombank của Nga. Ngân hàng này sau đó sẽ chuyển các khoản thanh toán thành đồng rúp trước khi chuyển chúng cho các nhà cung cấp ở Nga. Hệ thống này cho phép người mua châu Âu tuân theo yêu cầu mà ông Putin đưa ra vào cuối tháng 3, rằng các quốc gia “không thân thiện” bị buộc phải chuyển sang đồng tiền quốc gia của Nga để mua khí đốt tự nhiên của nước này.

Ông lưu ý: “Có 9 quốc gia khác sử dụng phương thức thanh toán tương tự.” Tuy nhiên theo ông nhìn nhận, hiện nay vì giữ hình ảnh “một người châu Âu tốt” mà các nhà lãnh đạo của những quốc gia đó đã không trung thực khi phát biểu trên trường quốc tế hoặc với người dân của họ. “Chín quốc gia này sẽ không nói rằng họ cũng đang làm điều tương tự như Hungary.”

Ông nói thêm: “Không ai có thể nghi ngờ rằng các quốc gia nhập khẩu nguyên liệu thô từ Nga sử dụng cùng một phương pháp để thanh toán cho khí đốt của Nga.”

Hiện chưa rõ ông Guylas đang đề cập đến các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nào. Tập đoàn năng lượng của Nga Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria sau khi cả hai đều từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Nhưng theo Bloomberg tuần trước, 10 trong số các quốc gia thành viên của khối này đã thiết lập tài khoản với Gazprombank, và 4 quốc gia đã thực sự thanh toán cho khí đốt của Nga bằng cách sử dụng cơ chế này.

Hungary phụ thuộc vào Nga về tất cả các hoạt động nhập khẩu khí đốt của họ và do đó đã phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với mặt hàng quan trọng này. Ông Gulyas nhắc lại cam kết này đối với năng lượng của Nga và phản đối đối sách trừng phạt của Brussels.

Khi nhắc đến chi phí năng lượng tăng vọt trên khắp châu Âu, ông nhấn mạnh: “Chúng ta không được áp dụng các biện pháp trừng phạt, mà trong đó thực tế là chúng ta chủ yếu tự phạt mình thay vì các bên mà chúng ta muốn nhắm vào.”

Trong khi chính quyền Budapest lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, ông Guylas khẳng định họ sẽ “tiếp tục mua năng lượng với giá rẻ nhất có thể” để bù đắp chi phí cho người dân Hungary.

Minh Ngọc (Theo RT)