Các nhà chức trách Indonesia hôm thứ Tư (1/1) nói rằng họ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về một phần tranh chấp trên Biển Đông, khẳng định Bắc Kinh “không có cơ sở pháp lý” cho những đòi hỏi lãnh hải này. Trước đó hai ngày, Indonesia cũng đã phản đối mạnh mẽ Trung Quốc cho tàu hải cảnh hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc đảo phía nam Đông Nam Á. 

Embed from Getty Images

Theo Reuters, tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia nằm ngoài khơi Quần đảo Natuna phía bắc Indonesia. Động thái này của Trung Quốc đã thúc đẩy các quan chức Indonesia phát đi tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” và triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để trao công hàm phản đối.

Phát biểu tại Bắc Kinh hôm thứ Ba (31/12), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh, nơi mà cả Trung Quốc và Indonesia vẫn có các hoạt động đánh cá “bình thường” ở đó.

>>Malaysia đệ trình LHQ về chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc phản đối quyết liệt

Đáp trả mạnh mẽ phát biểu của phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Indonesia hôm thứ Tư (1/1) phát đi tuyên bố lên án Trung Quốc và giải thích “cơ sở pháp lý và đường biên giới rõ ràng” đối với các tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia dựa trên Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).

Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định: “Các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế [của Indonesia] với lý do ngư dân của họ đã đang hoạt động ở đó… là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS 1982 công nhận.

Jakarta cũng lưu ý rằng tranh biện đó của Trung Quốc đã bị bác bỏ khi Trung Quốc thua kiện Philippines năm 2016 về yêu sách vùng Biển Đông tranh chấp tại Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan.

Indonesia nằm phía nam Biển Đông và nước này không tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa – nằm phía đông bắc của Quần đảo Natuna.

Bộ Ngoại giao Indonesia hôm 1/1 tái khẳng định lập trường rằng nước này không phải là một bên tranh chấp tại Biển Đông và rằng họ không có khu vực chồng lấn quyền tài phán trên biển với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Indonesia đã nhiều lần đụng độ với Trung Quốc về quyền đánh cá quanh Quần đảo Natuna. Jakarta đã từng bắt giữ nhiều ngư dân Trung Quốc và mở rộng hiện diện quân sự trên vùng biển này.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta để yêu cầu bình luận về phát ngôn mới nhất của giới chức Indonesia, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trung Quốc trước nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và lập luận rằng họ có căn cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền, chứ không chiếu theo quy định của UNCLOS 1982.

Trong vài năm qua, chế độ Bắc Kinh đã gia tăng quân sự hóa trên Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo này và biến chúng thành tiền đồn trên biển.

Như Ngọc