Hôm thứ Tư, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Iran đều gọi Taliban là một “chính phủ,” cho thấy cả hai chế độ độc tài đều đã chấp nhận tính hợp pháp của nhóm với tư cách là một thực thể nhà nước, Breitbart News đưa tin.

W020211026516347390161
Ngoại trưởng Vương Nghị gặp phó Thủ tướng Afghanistan (Taliban) tại Qatar (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Lực lượng Taliban đã đánh chiếm Kabul, thủ đô của Afghanistan, vào ngày 15/8, chỉ vài ngày trước thời hạn Mỹ rút quân. 

Cho đến nay, không có quốc gia hay tổ chức quốc tế nào, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, công nhận Taliban là chính phủ chính thức của Afghanistan. Do đó, Taliban không có quyền tiếp cận hàng tỷ đô la tài sản của chính phủ. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã đóng băng tài sản của Afghanistan. Các đại diện của Taliban đã tìm mọi cách khiến thế giới chấp nhận họ là những người cai trị hợp pháp của đất nước và tài trợ cho chế độ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tích cực kêu gọi các bên viện trợ cho Taliban, nhưng trên thực tế chính họ thì lại làm rất ít để hỗ trợ tổ chức này. Trong tuần, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đến Qatar gặp các quan chức Taliban. Triệu Lập Kiên – phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao – đã gọi Taliban là một “chính phủ” vào hôm thứ Tư.

“Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị cũng đã tiếp xúc với Quyền Phó Thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar và Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Amir Khan Muttaqi của chính phủ lâm thời Taliban của Afghanistan tại Qatar,” ông Triệu nói với các phóng viên trong cuộc họp giao ban hàng ngày của Bộ. “Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị lưu ý rằng Afghanistan hiện đang ở một giai đoạn quan trọng của quá trình chuyển đổi từ hỗn loạn sang trật tự.”

Ông Triệu cũng đề nghị chính phủ Hoa Kỳ viện trợ cho Taliban.

Ông Triệu nói: “Trung Quốc nhận thức được những khó khăn về mặt nhân đạo mà Afghanistan đang đối mặt và kêu gọi Mỹ cùng các nước phương Tây khác dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, kêu gọi tất cả các bên tham gia với Taliban Afghanistan một cách hợp lý và thực dụng”. “Trung Quốc cũng sẵn sàng cung cấp hỗ trợ nhân đạo trong khả năng của mình”.

Tại một cuộc họp cùng với các quốc gia láng giềng khác, một quan chức cấp cao của chính phủ Iran cũng đã gọi Taliban là “hội đồng cai trị” của Afghanistan.

“Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng trách nhiệm an ninh cho công dân Afghanistan, cũng như an ninh ở biên giới của đất nước này với các nước láng giềng, trước hết nằm ở hội đồng cầm quyền tạm thời phụ trách Afghanistan,” Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư sau cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu Iran, Nga, Tajik, Trung Quốc, Uzbekistan, Pakistan và Turkmen. 

Ông Amir-Abdollahian kêu gọi thế giới chấp nhận và ủng hộ “chủ quyền quốc gia, độc lập chính trị, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Afghanistan dưới thời Taliban.

Việc áp dụng nhãn “chính phủ” (dù đã được sửa đổi) cho Taliban diễn ra theo sau một tuyên bố được công bố vào tuần trước bởi 9 quốc gia châu Á, trong đó đã chấp nhận sự cai trị của Taliban là “thực tế”. Trung Quốc, Nga và Iran là một trong số các bên ký kết.

Tuyên bố viết, thế giới “cần phải tính đến một thực tế mới, đó là Taliban đã lên nắm quyền ở đất nước, bất kể cộng đồng quốc tế có chính thức công nhận chính phủ mới của Afghanistan hay không.”

Tuyên bố không công nhận chính thức Taliban, nhưng Trung Quốc và Iran dường như đang cố gắng lèo lái và có những hành động như thể Taliban thực sự là chính phủ hợp pháp của đất nước.

Ngân hàng Thế giới và IMF, hiện đang giữ hàng tỷ USD trong quỹ của chính phủ Afghanistan, đã từ chối thừa nhận Taliban vào tháng 8.

Phát ngôn viên Ngân hàng Thế giới Marcela Sanchez-Bender cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về tình hình ở Afghanistan và những tác động đến triển vọng phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với phụ nữ. “Chúng tôi đã tạm dừng các khoản giải ngân ở Afghanistan và chúng tôi đang theo dõi và đánh giá chặt chẽ tình hình.”

Taliban là một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan khét tiếng với những vụ vi phạm nhân quyền trên diện rộng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong thời kỳ cầm quyền đầu tiên vào những năm 1990, Taliban đã cấm phụ nữ tham gia hầu hết các khía cạnh của đời sống công cộng, cấm nữ sinh đi học và áp đặt các quy định khắt khe về trang phục đối với phụ nữ. 

Mặc dù Taliban đã đưa ra những hứa hẹn về quyền phụ nữ, nhưng nhiều nhóm phụ nữ tại Afghanistan đã kiên trì phản đối Taliban kể từ khi họ lên nắm quyền, lưu ý rằng, cho đến nay các chiến binh thánh chiến vẫn chưa cho phép phụ nữ trở lại công việc hoặc các em gái đến trường. Taliban đã đáp trả các cuộc biểu tình bằng các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào những người tham gia.

Nhật Minh (theo Breitbart)

Xem thêm: