Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley cảnh báo rằng hệ thống điểm tín dụng xã hội theo kiểu Trung Quốc Cộng sản đang được du nhập vào Hoa Kỳ dưới hình thức ‘xóa bỏ văn hóa’.

Embed from Getty Images

“Mọi người đều biết điểm tín dụng là gì. Nhưng điểm tín dụng xã hội là [khái niệm] mới. Đó là thứ du nhập mới nhất từ ​​Trung Quốc Cộng sản, nơi mà chính phủ và các doanh nghiệp lớn giám sát toàn bộ các tuyên bố và quan điểm xã hội của mỗi công dân,” thượng nghị sĩ Hawley viết cho New York Post.

“Và chúng chính là phương thức xóa bỏ văn hóa mới nhất ở đất nước này, khi mà các công ty độc quyền và nhóm thiên tả chặn hết những ngôn luận mà họ không thích và ép buộc [thực thi] nghị trình chính trị của họ về nước Mỹ,” ông Hawley còn nói rằng “những người vẫn tin vào tự do ngôn luận và Tu chính án thứ nhất” nên “giữ vững lập trường”.

Trong những tuần gần đây, hai thượng nghị sĩ Josh Hawley (tiểu bang Missouri) và Ted Cruz (tiểu bang Texas) đã bị chỉ trích vì thách thức kết quả bầu cử trong Phiên họp chung ngày 6/1 của Quốc hội. Một số thành viên Đảng Dân chủ tuyên bố hai thượng nghị sĩ này đã góp phần kích động bạo lực tại Điện Capitol, khiến các nhà lập pháp và cựu Phó Tổng thống Mike Pence phải tránh đi trú ẩn.

Một nhà xuất bản đã hủy bỏ cuốn sách sắp ra mắt của ông Hawley, sự kiện gây quỹ chiến dịch của ông cũng bị một chuỗi khách sạn hủy bỏ và nhiều người thậm chí còn kêu gọi ông từ chức.

“Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn,” ông Hawley nói thêm. “Những gã khổng lồ công nghệ đã cấm cửa hàng chục nhà bảo thủ trên phương tiện truyền thông xã hội, và nếu làm theo cách của họ, một nửa thành viên của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ bị trục xuất khỏi Quốc hội. Các tập đoàn khổng lồ dường như tin rằng cách duy nhất để có được một nền dân chủ theo ý muốn của họ là loại bỏ toàn bộ các mối đe dọa đến sự kiểm soát thống nhất của Đảng Dân chủ đối với chính phủ.”

Hệ thống tín dụng xã hội do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn là để nhằm trừng phạt những ai bị chính quyền này cáo buộc phạm tội, có thể kể đến như những người theo học Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, các nhà hoạt động dân chủ, hoặc những ai đóng thuế cũng như thanh toán các khoản phí chậm trễ… Các hình phạt có thể bao gồm cấm rời khỏi Trung Quốc, cấm sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cấm đăng ký thuê khách sạn, thuê nhà, tìm việc hoặc bị đưa vào danh sách đen một cách công khai.

Thượng nghị sĩ Hawley lưu ý rằng những người bảo thủ thậm chí sẽ bị áp chế nhiều hơn thế khi việc xóa bỏ văn hóa gia tăng.

“Nền tảng xã hội ‘bảo thủ’ của bạn sẽ chẳng đáng một xu khi Amazon có thể đóng cửa nó. Phiếu bầu của bạn có thể vẫn là của bạn, nhưng nếu đảng của bạn bị các công ty độc quyền từ chối các phương tiện để tổ chức hiệu quả, thì đảng đó sẽ không thắng được. Nhà thờ của bạn, ồ, hiện bạn vẫn có thể đến tham dự, nhưng nếu đi sai nhà thờ thì bạn có thể không kiếm được việc làm trong vài năm nữa,” ông cho biết thêm.

Thượng nghị sĩ Hawley khẳng định: “Tôi chính là một người sẽ không lùi bước. Cuốn sách của tôi sẽ được xuất bản, và tôi sẽ tiếp tục đại diện cho người dân trong tiểu bang của mình, không sợ hãi hay thuận theo bất cứ điều gì mà cánh tả hoặc các tập đoàn lớn nói”

Ông Hawley cũng cho rằng những người còn muốn bảo vệ Tu chính án thứ nhất nên thể hiện lập trường ngay bây giờ. “Tại thời điểm hiện nay, những ai đang nắm quyền lực đều thấy được cơ hội để củng cố quyền kiểm soát của họ đối với xã hội và dẹp bỏ những bất đồng chính kiến. Điều đó có nghĩa là những người còn tin tưởng vào Tu chính án thứ nhất và các nguyên tắc cơ bản về quyền tự do của Mỹ giờ đây phải giữ vững lập trường, khi mà chúng ta vẫn có thể làm được.”

Minh Ngọc

Xem thêm: