Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trả đũa bằng các cuộc tập trận quân sự. Dẫu vậy hôm 14/8, ông Ed Markey, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Hoa Kỳ, lại tiếp tục dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan trong chuyến thăm 2 ngày.

id13802396 1 600x400 1
Phái đoàn Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Markey dẫn đầu đến thăm Đài Loan ngày 14/8 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Đài Loan cung cấp)

Vào khoảng 7:00 tối ngày 14/8, máy bay điều hành C-40C của Không quân Hoa Kỳ với ký hiệu “Spar11” đã đến sân bay Tùng Sơn. Theo phần mềm bay Flightradar24, chiếc máy bay vận tải C-40C đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Yokota, Nhật Bản. Ngày 2/8, Chủ tịch Hạ viện Pelosi cũng hạ cánh tại sân bay Tùng Sơn trên một chiếc chuyên cơ.

Ngày 15/8, phái đoàn sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), thảo luận về mối quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan và an ninh khu vực. Phía Trung Quốc không phản hồi ngay lập tức.

Hôm Chủ nhật (14/8), Văn phòng Tổng thống Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố, cho biết: “Vào thời điểm các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan và trong khu vực, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ – Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương, ông Ed Markey, đã dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan. Điều này một lần nữa thể hiện sự ủng hộ vững chắc của Quốc hội Hoa Kỳ đối với Đài Loan, và quyết tâm của các đối tác dân chủ trong việc cùng nhau duy trì hòa bình và sự ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực.”

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống, ông Trương Đôn Hàm, cho biết các thành viên của phái đoàn gồm 5 nghị sĩ lưỡng đảng của Quốc hội, các ông John Garamendi, Alan Lowenthal, Don Beyer và bà Aumua Amata Coleman Radewagen. Họ không chỉ ở cả Thượng viện và Hạ viện, mà còn thuộc các ủy ban quan trọng như như ủy ban các vấn đề đối ngoại, quân sự, vấn đề thu nhập và chi phí hàng năm.

Bộ Ngoại giao chỉ ra rằng ngoài cuộc gặp với bà Thái Anh Văn, phái đoàn cũng sẽ được Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, ông Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) khoản đãi và thăm Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Bộ Lập pháp. Hai bên sẽ trao đổi sâu rộng về các vấn đề như an ninh Đài Loan-Hoa Kỳ và quan hệ kinh tế thương mại.

Ông Markey và 4 thành viên khác của Hạ viện hạ cánh xuống sân bay Đào Viên và Tùng Sơn vào Chủ nhật, và được Thứ trưởng Ngoại giao Du Đại Lôi, cùng ông Dư Hựu – Chủ tịch Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao, tiếp đón.

id13802397 2
Tối 14/8, Thứ trưởng Ngoại giao Du Đại Lôi (bên phải) đến chào phái đoàn của ông Ed Markey (bên trái), Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, kiêm Chủ tịch Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ. (Ảnh: Bộ ngoại giao Đài Loan cung cấp)

Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) đã chỉ ra trong một thông cáo báo chí, rằng chuyến thăm này là một phần trong chuyến thăm của Quốc hội Hoa Kỳ đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Phái đoàn sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao của Đài Loan, thảo luận về mối quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan, an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, cùng chuỗi cung ứng toàn cầu, biến đổi khí hậu, v.v.

Bloomberg phân tích rằng phái đoàn quốc hội Mỹ đã hạ cánh xuống Đài Loan 12 ngày sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, điều này có thể khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên rất căng thẳng.

Trước chuyến thăm Đài Loan, ông Markey đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeo vào ngày 12/8, và trao đổi quan điểm với Bộ trưởng Thống nhất, ông Kwon Young-se, về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và chính sách đối với Triều Tiên.

Ngay từ năm 1979, khi còn là Dân biểu, ông Markey đã bỏ phiếu cho “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, khiến ông trở thành một trong số ít thành viên Quốc hội đã tham gia soạn thảo Đạo luật Quan hệ Đài Loan vẫn đang tại vị.

Sau khi được bầu làm Thượng nghị sĩ, ông Markey đã tham gia “Tổ chức kết nối Thượng viện và Đài Loan”. Từ khi giữ chức Chủ tịch “Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương” của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông đã tích cực thúc đẩy “Đạo luật Yên tâm Đài Loan”, “Đạo luật Học giả Đài Loan” và các dự luật khác.

“Đạo luật Yên tâm Đài Loan” thống nhất với cam kết của Hoa Kỳ trong “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”. Đạo luật này nhằm mục đích tránh xung đột quân sự, tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tham gia vào cộng đồng quốc tế, giúp chống lại mối đe dọa eo biển Đài Loan, và có hành động rõ ràng để tránh xung đột khu vực.

“Đạo luật Học giả Đài Loan” được thiết kế, nhằm thúc đẩy các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ đến học tiếng Trung tại Đài Loan và thực tập trong các cơ quan chính phủ.

Ngày 11/8, ĐCSTQ tuyên bố kết thúc cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật kéo dài một tuần sau xung quanh Đài Loan sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi và tuyên bố rằng họ sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu ở eo biển Đài Loan.

Đồng thời, ĐCSTQ đã công bố sách trắng thứ 3 về vấn đề Đài Loan, nhắc lại rằng sẽ không loại trừ việc thống nhất quân sự với Đài Loan, và họ bảo lưu lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết.

Sách trắng cũng nhắc lại phương án “1 quốc gia, 2 chế độ”, và xóa một điều khoản trong các phiên bản năm 1993 và năm 2000, nêu rõ nếu Đài Loan đồng ý với sự sắp xếp “1 quốc gia, 2 chế độ”, Trung Quốc sẽ không gửi quân đội hoặc nhân viên hành chính đến Đài Loan.

Ngày 14/8, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố, các máy bay quân sự và tàu chiến của ĐCSTQ vẫn tiếp tục hoạt động quanh eo biển Đài Loan, 11 máy bay trong số đó đã vượt qua đường trung tâm của eo biển và phần mở rộng vào không phận phía tây nam.

Bình Minh (t/h)