Vào thứ Hai (ngày 18/10), khoảng 200.000 container vẫn còn tồn đọng tại Cảng Los Angeles, cảng có khối lượng container lớn nhất ở Hoa Kỳ. Điều này là do dịch bệnh và các yếu tố liên quan khác tiếp tục ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng khác nhau. 

Xưởng thông noel
Một xưởng sản xuất cây thông Noel là đối tác của National Tree Company Hoa Kỳ (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Gene Seroka, giám đốc điều hành của Cảng Los Angeles, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Jake Tapper của CNN: “Chúng tôi hiện có hàng tồn đọng khoảng hai tuần (đề cập đến việc container ở lại cảng trong khoảng hai tuần). Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để chúng tôi phân bổ số hàng hóa này.”

Ông nói: “Có một số sản phẩm cần phải ra khỏi đó với tốc độ thật nhanh. Đồ chơi, sản phẩm Giáng sinh khác và các bộ phận, linh kiện của các nhà máy…”

Ông Seroka nói rằng trong vài tháng cuối năm, các mặt hàng bán lẻ đang có nhu cầu lớn khi mùa mua sắm vào dịp lễ bắt đầu, do đó, điều quan trọng là phải giảm bớt lượng hàng tồn đọng. Phụ tùng ô tô cũng được ưu tiên hơn vì các nhà sản xuất ô tô Mỹ và nhiều nhà cung cấp ở Trung Tây đang chờ đợi các bộ phận để họ có thể hoàn thành sản phẩm cuối cùng.

Ông cho biết, cảng đang dỡ hàng, sau đó sẽ ưu tiên xử lý hàng hóa cần rời cảng sớm nhất có thể.

Sau khi chính phủ Hoa Kỳ cho phép cảng chuyển lịch hoạt động 24/7, đã có một số tiến bộ nhất định trong việc di chuyển các container ra khỏi bến tàu. Tuy nhiên, các bến do tư nhân quản lý điều hành vẫn đóng cửa từ 3 giờ sáng đến 8 giờ sáng vì không có doanh nghiệp nào ghé cảng trong những giờ đó để lấy container của họ.

Ông Seroka nói thêm, ngay cả trước khi giờ làm việc được kéo dài, khoảng 30% xe bán tải có sẵn tại cảng không được sử dụng. Giờ làm việc dài hơn không có nghĩa là các tài xế hiện tại có thể lái xe nhiều giờ hơn, bởi vì có các quy tắc an toàn giới hạn số giờ họ có thể lái xe và buộc các tài xế phải nghỉ giải lao giữa các ca làm việc.

Không chỉ có vấn đề về xe tải hay giờ giấc hoạt động mà nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tồn đọng là do lượng hàng hóa từ châu Á tràn vào.

Người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu ít hơn cho các dịch vụ như du lịch, xem phim hoặc các hoạt động khác nhưng chi tiêu nhiều hơn cho các hàng hóa từ đồ gia dụng cho đến ô tô. Và so với trước khi xảy ra đại dịch, nhiều hàng hóa ban đầu được sản xuất tại Hoa Kỳ nhưng giờ đây phải sử dụng các bộ phận mua từ nước ngoài và phải thông qua nhập khẩu, dẫn đến số lượng container tại cảng tăng lên.

Trên thế giới, do nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục sau dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng trở lại nhanh chóng khiến các cảng bị tắc nghẽn. Chi phí vận chuyển đã tăng vọt và các công ty vận chuyển hàng hóa đang gặp khó khăn vì không có đủ tàu hoặc container. Đồng thời, giá cả đang tăng cao đối với người tiêu dùng.

Mộc Lan/ Theo CNN

Xem thêm: