Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nỗ lực tăng cường quân sự khiến nhiều nước cũng theo đó cảnh giác. Có vẻ như cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ – Thái Bình Dương đang leo thang, danh sách các hệ thống phòng thủ đang tăng nhanh.

Embed from Getty Images

Tàu ngầm HMAS Sheean của Hải quân Úc  vào cảng Hobart ngày 1/4 năm nay (Nguồn: LSIS Leo Baumgartner / Getty Images).

Úc

Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Úc tuyên bố thành lập một liên minh an ninh mới AUKUS, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, động thái nhằm vào ĐCSTQ.

Kể từ khi phía Úc đặt câu hỏi liệu Anh và Mỹ có thể giúp họ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho đến sự hình thành AUKUS, thời gian chỉ có nửa năm. Trước đây, Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân với Anh, hiện nay Úc trở thành nước thứ hai sở hữu công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Cách đây 5 năm, Úc và Pháp đã đạt được hợp đồng trị giá 40 tỷ USD, theo đó Úc đồng ý mua 12 tàu ngầm diesel-điện Barracuda từ Pháp, nhưng Úc cho rằng loại tàu này không đủ khả năng chống lại đe dọa từ ĐCSTQ.

Úc cũng sẽ tăng cường khả năng tấn công tầm xa, triển khai tên lửa hành trình Tomahawk trên các tàu khu trục hải quân, đồng thời trang bị tên lửa cho các máy bay phản lực không đối đất F/A-18 Hornet và F-35A Lightning II của họ có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 900 km (559 dặm).

Ngoài ra, Úc cũng sẽ triển khai tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) trên máy bay phản lực F/A-18F Super Hornet của họ; đồng thời, thiết bị của quân đội nước này sẽ được tích hợp vào một hệ thống tên lửa dẫn đường có thể tấn công chính xác mục tiêu hơn 400 km.

Theo thỏa thuận an ninh 3 bên AUKUS, Úc cũng sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh.

Tháng Sáu năm nay, Mỹ cũng đã thông qua danh sách bán vũ khí trị giá 3,5 tỷ USD, dự kiến ​​sẽ bán cho Úc 29 trực thăng tấn công AH-64E (Apache) do Boeing sản xuất.

Đài loan

Trong năm qua, lực lượng quân sự của ĐCSTQ đã xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn ở các khu vực xung quanh Đài Loan.

Thứ Sáu tuần trước (17/9), Đài Loan đã công bố kế hoạch đầu tư 240 tỷ đô la Đài Loan (8,69 tỷ USD) trong 5 năm tới để nâng cấp các hệ thống vũ khí của Đài Loan nhằm đối phó với “đe dọa nghiêm trọng” từ ĐCSTQ.

Khoản chi đặc biệt này được tăng lên trên cơ sở ngân sách quân sự thường niên năm 2022 của Đài Loan. Trong năm tới, khoản ngân sách này sẽ tăng 4% lên mức kỷ lục 15,1 tỷ USD. Một khi dự luật được thông qua, khoản chi mới sẽ được sử dụng để mua các tên lửa tối tân, tàu hải quân hiệu suất cao và các hệ thống vũ khí trên tàu chiến.

Kế hoạch này sẽ bao gồm một tên lửa mới là phiên bản nâng cấp của tên lửa hành trình Hsiung Feng. Truyền thông Đài Loan cho biết tầm bắn của nó có thể lên tới 1.200 km.

Đồng thời, để thể hiện chiến lược phòng thủ quốc gia “con nhím” (porcupine), Đài Loan cũng không ngừng mua sắm vũ khí trang bị từ Washington nhằm hiện thực hóa quá trình hiện đại hóa của quân đội.

Năm 2020, Chính phủ Mỹ đã phê duyệt việc bán cho Đài Loan 100 bộ Hệ thống Phòng thủ Bờ biển Harpoon do Boeing sản xuất (Harpoon Coastal Defense Systems), đó là 3 hệ thống vũ khí gồm tên lửa, thiết bị cảm biến và pháo, cùng 4 máy bay không người lái tối tân, tổng giá trị khoảng 5 tỷ USD.

Tháng trước, Washington tiếp tục phê duyệt việc bán 40 bộ hệ thống lựu pháo cho Đài Loan, trị giá lên tới 750 triệu USD.

Hàn Quốc

Hãng thông tấn Yonhap hôm thứ Ba (7/9) đưa tin, Hàn Quốc đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo (SLBM) từ tàu ngầm, trở thành nước phi hạt nhân đầu tiên phát triển hệ thống này và nước thứ 8 trên thế giới sở hữu vũ khí này.

Tên lửa phóng từ tàu ngầm này được coi là một biến thể của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B của nước này, có tên mã là Hyunmoo 4-4. Năm ngoái, Hàn Quốc đã phát triển tên lửa này với tầm bắn 800 km và trọng tải 2 tấn.

Hàn Quốc cũng công bố các tên lửa mới khác, bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh sẽ sớm được triển khai.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và vào tháng Bảy vừa qua đã thực hiện thành công vụ phóng thử. Đây là một phần trong chương trình vệ tinh do thám của họ được phóng vào cuối năm 2020.

Trong kế hoạch trung hạn được công bố vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã trình bày chi tiết đề xuất đóng 3 tàu ngầm. Giới chức cho biết trong đó có 2 tàu có lượng choán nước là 3.000 tấn và 3.600 tấn sử dụng động cơ diesel, nhưng họ từ chối tiết lộ loại hệ thống động lực nào mà tàu ngầm 4000 tấn lớn nhất sẽ sử dụng.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Moon Jae-in đã hứa sẽ chế tạo một tàu ngầm hạt nhân.

Nhật Bản

Nước này đã đầu tư hàng triệu USD vào việc phát triển các loại vũ khí phóng từ trên không tầm xa. Đồng thời, một loại tên lửa chống hạm mới kiểu xe tải cũng đang được phát triển, tức tên lửa Type 12 với tầm bắn ước tính 1.000 km.

Ngoài việc tự nghiên cứu và phát triển, Nhật Bản cũng đang chi một khoản tiền khổng lồ để mua các hệ thống vũ khí tiên tiến từ các đồng minh.

Năm 2020, Mỹ đã trao quyền cho Nhật Bản mua 105 máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed với chi phí ước tính khoảng 23 tỷ USD.

Ngày 9/9, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong 28 năm qua. Theo đó, từ ngày 15/9 đến nửa cuối tháng 11 sẽ huy động khoảng 100.000 quân tập trận dã chiến. Truyền thông Nhật Bản chỉ ra rằng động thái này nhằm tăng cường khả năng quốc phòng để đối phó với các hoạt động hàng hải ngày càng nhiều của ĐCSTQ.

ĐCSTQ

Reuters dẫn nguồn tin cho biết, ĐCSTQ đang sản xuất hàng loạt DF-26, loại vũ khí đa năng có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn lên tới 4.000 km.

Tại diễu hành quân sự năm 2019, ĐCSTQ đã trình diễn máy bay không người lái (UAV) mới, tên lửa liên lục địa và tên lửa siêu thanh được nâng cấp liên tục nhằm vào các tàu sân bay và các căn cứ hỗ trợ lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á.

Tên lửa siêu thanh của ĐCSTQ là loại DF-17, về lý thuyết có thể di chuyển với tốc độ gấp vài lần tốc độ âm thanh.

Ngoài ra ĐCSTQ cũng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, là trụ cột của lực lượng răn đe hạt nhân và có thể mang nhiều đầu đạn chống lại Mỹ.

Trong động thái leo thang gây hấn với xung quanh, ĐCSTQ không ngừng gia tăng số lần xâm phạm quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) khiến phía Nhật Bản quan ngại sâu sắc và tăng cường các nỗ lực phòng thủ tương ứng.

Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: