Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo đáng tin cậy về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc vào cuối ngày thứ Tư (31/8), nhấn mạnh rằng các cáo buộc về những hình thức tra tấn hoàn toàn đáng tin cậy.

Embed from Getty Images

Báo cáo, được thực hiện trong khoảng một năm, mới công bố tại Geneva vào lúc 11 giờ 47 phút tối thứ Tư (31/8) – chỉ 13 phút trước khi nhiệm kỳ bốn năm của bà Michelle Bachelet với tư cách là Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc hết hạn.

Cựu tổng thống Chile quyết tâm đảm bảo báo cáo được đưa ra trong ngày này – bất chấp sức ép dữ dội từ phía Bắc Kinh.

“Tôi đã nói rằng tôi sẽ công bố nó trước khi nhiệm vụ của tôi kết thúc và tôi đã làm được,” bà Bachelet viết trong một email gửi cho AFP.

“Các vấn đề rất nghiêm trọng – và tôi đã đưa chúng ra trước các cơ quan chức năng cấp cao của quốc gia và khu vực trong nước.”

Trong nhiều năm, Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương.

Các nhà vận động đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trong khi Bắc Kinh kịch liệt bác bỏ các tuyên bố, khẳng định họ đang điều hành các trung tâm đào tạo nghề ở Tân Cương, vốn nhằm mục đích chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Cuối cùng, bà Bachelet quyết định rằng, cần đánh giá đầy đủ về tình hình bên trong Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (XUAR).

Bản báo cáo đáng tin cậy

“Các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã được thực tiến hành XUAR trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc áp dụng các chiến lược chống khủng bố và chống ‘chủ nghĩa cực đoan’,” báo cáo cho biết.

Đánh giá này đã làm dấy lên lo ngại về hoàn cảnh của những người bị giam giữ trong cái gọi là “Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Nghề”.

“Những cáo buộc về các hình thức tra tấn hoặc đối xử tàn bạo – bao gồm điều trị y tế cưỡng bức và các điều kiện giam giữ hà khắc – là đáng tin cậy, cũng như cáo buộc về các vụ bạo lực tình dục và bạo lực dựa trên từng giới tính,” theo báo cáo.

“Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với các thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm, chủ yếu là người Hồi giáo khác, theo luật pháp và chính sách, trong bối cảnh bị hạn chế và tước bỏ các quyền cơ bản được hưởng một cách cá nhân và tập thể, có thể cấu thành tội phạm quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người,” báo cáo lưu ý thêm.

Báo cáo kêu gọi Bắc Kinh, LHQ và thế giới nói chung tập trung vào tình hình được mô tả ở Tân Cương. “Tình hình nhân quyền ở XUAR cũng đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp của chính phủ, các cơ quan liên chính phủ của Liên Hợp Quốc và hệ thống nhân quyền, cũng như cộng đồng quốc tế trên phạm vi rộng hơn.”

Tuy nhiên, bản báo cáo dài 49 trang lại không đề cập đến nạn diệt chủng – một trong những cáo buộc chính của những người chỉ trích Trung Quốc, bao gồm Hoa Kỳ và các nhà lập pháp ở các nước phương Tây khác.

Phát biểu hôm thứ Tư (31/8) sau khi văn phòng của bà Bachelet thông báo sẽ công bố báo cáo, ông Zhang Jun, đại sứ Trung Quốc tại LHQ tại New York cho hay, Bắc Kinh đã nói với bà Bachelet rằng họ “kiên quyết phản đối” việc này.

Ông Zhang trao đổi với các phóng viên: “Cái gọi là vấn đề Tân Cương là một lời nói dối hoàn toàn bịa đặt vì động cơ chính trị, và mục đích của nó chắc chắn là phá hoại sự ổn định của Trung Quốc cũng như cản trở sự phát triển của Trung Quốc.”

Ông tiếp tục: “Nó chỉ đơn giản làm suy yếu sự hợp tác giữa LHQ và một quốc gia thành viên. Nó can thiệp hoàn toàn vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”

Nhật Minh (Theo AFP)