Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Corriere della Sera, ông Maurizio Martina, Phó giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, số người trên thế giới phải đối mặt với nạn đói cấp tính sẽ tăng thêm 18 triệu người do cuộc chiến tại Ukraine.

shutterstock 283168115 e1626829617707
(Nguồn: Swapan Photography/ Shutterstock)

Theo ước tính của cơ quan này, vào năm 2021, nạn đói đã ảnh hưởng đến 53 quốc gia, khiến gần 200 triệu người trên toàn cầu bị đói.

Ông Martina nhận định: “Cuộc chiến này sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng. Ước tính đầu tiên của chúng tôi cho thấy, sẽ có thêm khoảng 18 triệu người nữa [có thể bị đói], mà rõ ràng là phần lớn sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của cuộc chiến.”

Ông lưu ý, mối đe dọa toàn cầu đối với nguồn cung ngũ cốc đã trở nên đáng báo động đối với các nước đang phát triển, bởi 36 trong số các nước bị khủng hoảng lương thực trước đó thường mua hơn 10% lượng lúa mì của họ từ Nga và Ukraine.

Theo quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ), ngoài những khó khăn về vận chuyển ngũ cốc do các cảng Biển Đen hiện đang bị phong tỏa khiến ít nhất 6 triệu tấn lúa mì và 14 triệu tấn ngô bị tồn đọng lại, cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga cũng ảnh hưởng đến giá cả và sự sẵn có của phân bón. Những yếu tố này kết hợp lại đang đẩy giá lúa mì lên, từ đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.

“Như Ngân hàng Thế giới đã ước tính, giá lương thực cơ bản tăng 1% có thể có nghĩa là ít nhất 10 triệu người có nguy cơ bị đói… Nếu giá [phân bón] vẫn cao như vậy và nếu ngành nông nghiệp ở các nước đang phát triển ngày càng trở nên khó tiếp cận [nguồn phân bón] hơn, thì hậu quả sẽ càng tồi tệ với sự sụt giảm nghiêm trọng của mùa màng,” ông Martina tiếp tục. Ông nói thêm rằng, “không có chính sách của cá biệt quốc gia nào có thể giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu” và kêu gọi các chính phủ hình thành một chiến lược đa phương để ứng phó với tình hình.

Ông nhấn mạnh, các cảng Biển Đen phải được mở cửa trở lại, để đảm bảo một lượng lớn hàng hóa có thể được di chuyển qua đó, bởi các tuyến đường thay thế như đường sắt và đường bộ không thể xử lý các chuyến hàng đầy đủ và kịp thời.

Các quốc gia phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Nga phong tỏa các cảng biển, nhưng Moscow vẫn luôn bác bỏ cáo buộc này. Đại diện Hội đồng Bảo an LHQ của Nga, ông Vasily Nebenzya hồi tuần trước tuyên bố, Nga đã mở một hành lang cho các chuyến hàng ngũ cốc từ Cảng Odessa vốn do Kyiv kiểm soát, nhưng trên thực tế các tàu chở ngũ cốc không thể rời đi.

Ngày 27/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo mở các hành lang trên biển cho các tàu nước ngoài ra khỏi các cảng Kherson, Nikolaev, Chernomorsk, Ochakov, Odessa, Yuzhny và Mariupol của Ukraine. Theo Bộ này, khoảng 70 tàu nước ngoài đến từ 16 quốc gia hiện đang bị chặn tại các cảng nêu trên.

Minh Ngọc (Theo RT)