Liên Hợp Quốc (LHQ) đã kêu gọi hơn 1 tỷ đô la tài trợ cho hoạt động cứu trợ động đất của Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ hai ngày sau khi đưa ra lời kêu gọi 400 triệu đô la cho người dân Syria.

shutterstock 2260341059
Một trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã tấn công tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnhh: twintyre / Shutterstockk)

Người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) Martin Griffiths đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước. Ngày 16/2, ông bày tỏ, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải “trải qua nỗi đau không thể diễn tả thành lời”, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải sát cánh cùng họ trong giờ phút đen tối nhất và đảm bảo họ nhận được sự hỗ trợ cần thiết.”

Trận động đất ngày 6/2 cho đến nay đã giết chết ít nhất 36.187 người ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chính quyền ở nước láng giềng Syria báo cáo có 5.800 người chết.

Động đất kéo theo hàng loạt thách thức khác, hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, hiện nay đang thiếu nước sạch, lương thực, thuốc men và nơi trú ẩn đảm bảo trong điều kiện mùa Đông nhiệt độ xuống thấp.

Các nỗ lực cứu hộ vẫn tiếp tục diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng số người được giải cứu hàng ngày đã giảm đáng kể.

Đối với những gia đình vẫn đang chờ đợi để tìm lại người thân đã mất, họ ngày càng tức giận về những gì họ coi là hành vi tham nhũng và thiếu sót nghiêm trọng trong xây dựng và sự phát triển đô thị, dẫn đến hàng ngàn ngôi nhà và doanh nghiệp tan rã.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết sẽ điều tra bất kỳ ai bị nghi ngờ chịu trách nhiệm về vụ sập các tòa nhà và ra lệnh giam giữ hơn 100 nghi phạm, bao gồm cả các nhà phát triển.

Bên kia biên giới Syria, trận động đất đã làm sụp đổ một khu vực bị chia cắt và tàn phá sau 12 năm nội chiến.

Chính phủ Syria cho hay, số người chết trong lãnh thổ mà họ kiểm soát là 1.414. Hơn 4.000 trường hợp tử vong đã được báo cáo ở phía Tây Bắc do phe nổi dậy kiểm soát, nhưng lực lượng cứu hộ thông báo, không có ai còn sống ở đó kể từ ngày 9/2.

Nỗ lực viện trợ đã bị cản trở bởi cuộc xung đột, và nhiều người ở phía Tây Bắc cảm thấy bị bỏ rơi khi nguồn cung cấp gần như luôn hướng đến các khu vực khác của vùng thiên tai rộng lớn.

Đáng lưu ý, việc giao hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ngay sau trận động đất, khi một tuyến đường do Liên Hợp Quốc sử dụng tạm thời bị chặn. Đầu tuần này, vài ngày sau thảm họa, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chấp thuận mở thêm hai cửa khẩu nữa.

Tính đến ngày 16/2, 119 xe tải của LHQ đã đi qua các cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa và Bab al-Salam giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria kể từ sau trận động đất, người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ nói với Reuters.

Một đoàn gồm 15 xe tải viện trợ từ Qatar cũng đã đến thị trấn Afrin do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Syria, mang theo thực phẩm, thuốc men và lều bạt.

Ông Jagan Chapagain, tổng thư ký của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhận định, cuộc khủng hoảng sẽ còn kéo dài. Ông tuyên bố tổ chức của mình sẽ mở rộng quy mô kêu gọi viện trợ hơn gấp ba lần cho cả hai nước.

“Tác động của sự việc sẽ không kết thúc ngay sau ba tháng, vì vậy chúng tôi đang có kế hoạch kéo dài 24 tháng,” ông nói khi đang ở Beirut, trên lộ trình từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) cũng đánh giá trong một báo cáo được công bố hôm 16/2, tác động kinh tế tiềm ẩn của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến thiệt hại lên tới 1% tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong năm nay.

EBRD cho rằng con số này là mức ước tính hợp lý do các nỗ lực tái thiết sau thiên tai dự kiến được tăng cường vào cuối năm nay, bù đắp cho tác động xấu đến cơ sở hạ tầng và các chuỗi cung ứng.

Cùng ngày, Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan nhìn nhận, thiệt hại trực tiếp của việc cơ sở hạ tầng tại Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy do trận động đất ngày 6/2 có thể lên tới 25 tỷ USD, tương đương 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Nhật Minh (Theo Al Jazeera)