Hôm thứ Năm (23/6), phát biểu với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), Giám đốc phụ trách viện trợ của LHQ Martin Griffiths lên án, chế độ cầm quyền Taliban của Afghanistan đang cản trở những nỗ lực của LHQ nhằm giúp đưa nguồn tài trợ nhân đạo vào quốc gia này và đang can thiệp vào việc phân phối hàng viện trợ.

Embed from Getty Images

Kể từ khi lực lượng Hồi giáo Taliban lên nắm quyền Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái sau khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút khỏi nước này sau hai thập kỷ chiến tranh, các ngân hàng quốc tế đang rất thận trọng với việc thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ và Hoa Kỳ, khiến cho LHQ và các tổ chức viện trợ gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp đủ tiền mặt để điều hành các hoạt động nhân đạo ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề này.

Phát biểu với Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, ông Griffiths than thở: “Do quá sợ rủi ro, hệ thống ngân hàng chính thức tiếp tục ngăn chặn việc chuyển tiền, [điều này] đã tác động đến các kênh thanh toán và gây ra những sự cố trong các chuỗi cung ứng.”

Liên Hợp Quốc đã và đang cố gắng khởi động một hệ thống, được gọi là Cơ sở Trao đổi Nhân đạo (HEF), để đổi hàng triệu đô la tiền viện trợ sang đồng tiền Afghanistan trong một kế hoạch nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng viện trợ và kinh tế, đồng thời phớt lờ các lãnh đạo Taliban, vốn đang bị quốc tế trừng phạt.

Ông Griffiths lưu ý: “Chúng ta nhìn thấy rất ít tiến triển bởi vì sự cản trở của chính quyền trên thực tế [của Afghanistan]. Đây là vấn đề sẽ không thể tự khắc phục được.” Đồng thời ông khuyến nghị, cho đến khi hệ thống ngân hàng chính thức của Afghanistan có thể hoạt động bình thường trở lại, Liên Hợp Quốc cần phải thành lập và vận hành Cơ sở Trao đổi Nhân đạo.

Ông cho biết, khoảng một nửa (50%) số tổ chức viện trợ được Liên Hợp Quốc khảo sát gần đây đã báo cáo gặp khó khăn trong việc chuyển tiền vào Afghanistan, giảm so với mức 87% vào tháng 10 năm ngoái. Ông cảnh báo: “Hướng đi là tích cực, nhưng con số này vẫn đáng báo động.”

Giám đốc phụ trách viện trợ của LHQ cho biết, 2/3 trong số các tổ chức viện trợ cho rằng việc thiếu tiền tiền mặt ở Afghanistan là nguyên nhân cản trở các chương trình của họ.

Ngoài ra, ông Griffiths chỉ trích, chính quyền Taliban cũng đang ngày càng can thiệp vào việc phân phối hàng viện trợ nhân đạo mặc dù chế độ này đã cam kết với các quan chức LHQ vào tháng 9/2021 rằng họ sẽ không nhúng tay vào việc này.

Ông cáo buộc: “Chính quyền quốc gia và địa phương [của Afghanistan] ngày càng tìm cách đóng vai trò trong việc lựa chọn người thụ hưởng [hàng viện trợ] và chuyển hàng hỗ trợ cho những người nằm trong danh sách ưu tiên của chính họ, với lý do mức độ nhu cầu gần như phổ biến.”

Ông tiếp tục: “Chúng tôi cũng nhận thấy, Taliban ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về dữ liệu và thông tin liên quan đến ngân sách và các hợp đồng nhân sự.” Ngoài ra, ông còn cho hay, các tổ chức viện trợ “tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi họ cố gắng thuê phụ nữ Afghanistan làm việc cho một số bộ phận chức năng.”

Hiện Taliban chưa đưa ra bất cứ bình luận nào trước phát biểu của ông Griffiths.

Ông Griffiths phàn nàn, Liên Hợp Quốc chỉ mới nhận được 1/3 trong số 4,4 tỷ đô la mà họ cần để đáp ứng nhu cầu nhân đạo ở Afghanistan trong năm 2022. Ông nói: “Đơn giản là chúng tôi không có đủ tiền.”

Hội đồng Bảo an đã thực hiện cuộc họp hàng quý về Afghanistan một ngày sau khi một trận động đất đã giết chết ít nhất 1.000 người ở một vùng đất xa xôi của đất nước Trung Á này.

Gia Huy (Theo Reuters)