Ngày 18/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công khai lên tiếng ủng hộ Ukraine và bày tỏ quan ngại rằng việc pháo kích vào Nhà máy Điện Hạt nhân Zaporizhzhia có thể dẫn đến “một thảm họa Chernobyl khác”.

Embed from Getty Images

Vài tuần trước khi Tổng thống Erdogan đến Ukraine gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky, ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi, Nga. Theo một tuyên bố chung được công bố trên trang web của Điện Kremlin, tại đó, hai nhà lãnh đạo “đã tái khẳng định mong muốn chung của họ về việc phát triển mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ – Nga dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, công nhận lợi ích đôi bên, và phù hợp với các cam kết quốc tế của họ.”

Tuy nhiên, theo hãng tin Agence France-Presse, phát biểu với các phóng viên hôm thứ Năm (18/8), Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đang “tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp [cho cuộc xung đột Nga – Ukraine], nhưng chúng tôi vẫn đứng về phía những người bạn Ukraine”.

Chuyến thăm Ukraine của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người lo ngại rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể gây ra một thảm họa hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhya. Nhà máy này hiện vẫn do các nhân viên Ukraine vận hành mặc dù nó nằm ở vùng Đông Nam Ukraine hiện đang bị lực lượng Nga chiếm đóng kể từ những ngày đầu của cuộc chiến. Trong những ngày gần đây, Nga và Ukraine đã liên tục cáo buộc nhau đã nã pháo vào khu vực gần nhà máy.

Tổng thống Erdogan cảnh báo: “Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi không muốn một thảm họa Chernobyl khác.”

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), một nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Chernobyl, Ukraine đã xảy ra một thảm họa hạt nhân vào tháng 4/1986 khi một lò phản ứng hạt nhân “mất kiểm soát”, gây ra một vụ nổ và hỏa hoạn phá hủy tòa nhà lò phản ứng hạt nhân này. Vụ tai nạn đã phóng thích một lượng lớn bức xạ hạt nhân vào bầu khí quyển.

IAEA cho biết, hai công nhân nhà máy đã chết trong vụ nổ đầu tiên, trong khi hơn hai chục lính cứu hỏa và nhân viên thu dọn khẩn cấp đã chết do Bệnh Phóng xạ Cấp tính trong vòng ba tháng đầu tiên sau vụ tai nạn. Khoảng 200.000 được cho là đã phải di dời do hậu quả của sự cố Chernobyl.

Có những dấu hiệu cho thấy tình hình tại Nhà máy Điện Hạt nhân Zaporizhzhya có thể sớm leo thang hơn nữa. Cả Nga và và Ukraine đều cáo buộc nhau thực hiện “hành động khiêu khích” tại nhà máy hạt nhân này vào thứ Sáu (19/8).

Trước đó, ngày 18/8, trong một lần xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích, Ukraine đang lên kế hoạch sử dụng một hành động khiêu khích như “hành động uy hiếp hạt nhân”.

Ngược lại, trong bài đăng trên Twitter hôm thứ Năm (18/8), cơ quan tình báo quân sự của Ukraine tố cáo, Nga đang trong quá trình “chuẩn bị một hành động khiêu khích” được cho là sẽ diễn ra vào ngày 19/8.

Theo bản dịch tiếng Anh của một dòng tweet mà cơ quan tình báo này đăng trên Twitter: “Những kẻ chiếm đóng đã thông báo một ‘ngày nghỉ’ bất ngờ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP). Ngày 19/8, chỉ những nhân viên vận hành sẽ có mặt tại ZNPP. Lối vào đối với tất cả các nhân viên khác sẽ bị đóng.”

Trong một dòng tweet khác, cơ quan tình báo Ukraine lên án: “Từ thông tin có sẵn, rõ ràng là những kẻ chiếm đóng, sau vụ pháo kích quy mô lớn vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, có thể ‘tăng mức độ nguy hiểm’ và tổ chức một cuộc tấn công khủng bố thực sự vào cơ sở hạt nhân lớn nhất ở châu Âu.”

Gia Huy (Theo Newsweek)