Sau cuộc gặp vào ngày 26/7 giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thiên Tân, luật sư nhân quyền Trần Quang Thành, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nhân quyền của Đại học Công giáo Mỹ, bày tỏ lo lắng chính quyền Tổng thống Biden sẽ trở nên mềm mỏng với Trung Quốc. 

p2742791a628456973
Trần Quang Thành, luật sư nhân quyền nổi tiếng người Trung Quốc sống lưu vong tại Mỹ (Nguồn: Trần Quang Thành).

Sau cuộc đối thoại mới đây tại Thiên Tân giữa Mỹ và Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố nội dung đàm phán nhưng không quên cảnh báo Mỹ “Đừng đánh giá thấp quyết tâm của 1,4 tỷ dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”. Đồng thời, trong cuộc gặp, phía Trung Quốc cũng đưa ra hai danh sách: Một là danh sách những yêu cầu Hoa Kỳ “sửa chữa các chính sách, lời nói và việc làm sai trái của mình đối với Trung Quốc”, bao gồm cả việc yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ vô điều kiện các hạn chế về thị thực đối với đảng viên ĐCSTQ và các thành viên và gia đình họ, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các lãnh đạo, quan chức và các cơ quan chính phủ, dỡ bỏ các hạn chế về thị thực đối với sinh viên Trung Quốc. Và một danh sách “các điểm chính” mà Trung Quốc lo ngại.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Thành, một luật sư nhân quyền nổi tiếng và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nhân quyền thuộc Đại học Công giáo Mỹ, cho rằng ngay từ khi thành lập đến nay chưa bao giờ ĐCSTQ thực sự vì nhân dân mà chủ yếu chỉ vì lợi ích của Đảng. Khi mới xây dựng tổ chức, trọng điểm quan tâm của họ là cướp được chính quyền [từ Quốc dân đảng]; sau khi xây dựng chính quyền thì họ dùng mọi thủ đoạn phát động các phong trào được gọi là “cải cách” nhằm củng cố lợi ích của họ.

Việc ĐCSTQ giương ngọn cờ tổ quốc có thể xem là trò biểu diễn, bề ngoài thì hùng hồn tuyên bố “vì nước, vì dân”, nhưng thực chất những hành động của giới quan chức chủ yếu là vì lợi ích bản thân nên chỉ hại nước hại dân. Nếu ĐCSTQ vì lợi ích của đất nước thì phải dẫn dắt Trung Quốc đi theo con đường văn minh và dân chủ. Nhưng thực tế Đảng luôn chiếm hữu tất cả, họ không bao giờ hy sinh lợi ích của họ vì tương lai của đất nước và đông đảo người dân Trung Quốc.

Về việc Mỹ cấm các đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ đến Mỹ, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ cho biết rằng không quốc gia nào có đủ tư cách để từ chối con đường đúng đắn mà người Trung Quốc đã chọn. Đây là phát biểu kiểu ngôn ngữ tuyên truyền mà thôi, vì thực tế chủ nghĩa xã hội có phải là con đường đúng đắn? Hay việc quan chức bố trí người thân gia đình và thậm chí cả tài sản ở nước ngoài có phải là đúng đắn [vì nước vì dân]?…   

Ông Trần Quang Thành cho rằng kể từ thời Tổng thống Trump gia tăng hạn chế đối với các thành viên ĐCSTQ và gia đình của họ đến Mỹ bằng các con đường như nhập cư, du học, hay du lịch, đã thực sự gây áp lực và là đòn giáng mạnh vào các thành viên của hệ thống toàn trị này. Chính vì bị ảnh hưởng mạnh đến lợi ích nên giới quan chức ĐCSTQ phải vội thúc đẩy các hoạt động tương tác với phía giới chức Mỹ. Trước đó, quan hệ ngoại giao giữa hai bên về cơ bản ở trong tình trạng gián đoạn, bây giờ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden dường như chính sách với Trung Quốc đã mềm hơn khiến ĐCSTQ cảm thấy có cơ hội để xử lý những vấn đề cấp bách nhất, nhưng vấn đề gọi là cấp bách này không liên quan gì đến “vì nước vì dân”.

Do các hạn chế từ Mỹ đối với các thành viên ĐCSTQ và gia đình của họ đã khiến giới chức ĐCSTQ lo lắng khi tiền của họ gửi đến Mỹ trong khi người lại không thể đến được Mỹ. Do bản chất của thể chế toàn trị, giới chức ĐCSTQ từ trên xuống dưới không ai có cảm giác an toàn, ai nấy cũng muốn làm sao thoát khỏi tình trạng sống trong lo lắng này, hệ quả tìm mọi cách chuyển tài sản sang Mỹ xem là nơi sau này có thể hạ cánh an toàn, vì vậy mà họ không thể không sốt ruột khi con đường này bị Mỹ ngăn cản.

Ông Trần chỉ ra, ĐCSTQ luôn tuyên truyền người dân Mỹ đang sống trong cảnh khốn khó, nếu thế vì sao Đảng viên của họ lại tìm đường cho người thân sang Mỹ định cư làm gì? Sao không cho người nhà họ sang Bắc Triều Tiên, vì điều đó ít nhất hợp lý như tuyên truyền của họ ca ngợi chủ nghĩa xã hội.

Liên quan đến những hạn chế trong việc du học, theo số liệu do Mỹ công bố, từ tháng 4 – 6, Mỹ đã cấp cho sinh viên Trung Quốc Đại Lục tổng cộng 60.000 visa du học, chỉ khoảng 500 sinh viên đã bị từ chối visa vì lý do gia đình và hoàn cảnh học tập của họ, tỷ lệ này chưa tới 1%. Do đó, chuyện ĐCSTQ kêu gọi Mỹ nới lỏng các hạn chế về du học đối với vài trăm người gây nhiều nghi ngờ về mục đích phía sau, vì thường sinh viên bị từ chối thuộc hai loại: một là con cái quan chức cấp cao, hai là gián điệp đánh cắp công nghệ.

Ông Trần cho rằng Mỹ vẫn còn quá sơ hở trong xét duyệt visa du học người Trung Quốc, chỉ 500 người bị từ chối trong khi có đến 60.000 người đã lấy được visa, như vậy là có sơ hở lớn. Nếu tiếp tục như vậy thì Mỹ còn lâu mới khắc phục được việc ĐCSTQ sử dụng sinh viên du học để đánh cắp công nghệ và xâm nhập vào các tổ chức của Mỹ, để có hiệu quả hơn thì tỷ lệ từ chối ít nhất phải đạt là 10%.

“Dù thế nào thì cuộc đối thoại này đã cho thấy thái độ mềm mỏng của Mỹ khiến ĐCSTQ có cảm giác về cơ hội hoặc hy vọng, nhưng đây là một tín hiệu nguy hiểm. Mối nguy này sẽ là thực tế nếu Mỹ chấp nhận các yêu cầu của ĐCSTQ”, luật sư Trần nhận định.

Chân Du, Vision Times

Xem thêm: