Bà Marilyn Torley, đồng hiệu trưởng của Northern Academy, một trường tư thục giảng dạy từ lớp 6-12 ở ngoại ô New York, nhận định rằng giáo dục công của Mỹ đã thay đổi rất nhiều so với hình thức truyền thống trong hai thập kỷ qua.

Embed from Getty Images

Bà Marilyn Torley cho rằng, giáo dục công của Mỹ đã thay đổi rất nhiều so với truyền thống trong hai thập kỷ qua (Ảnh minh họa: Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Focus Talk” của NTD, bà Torley, một nhà giáo dục với 25 năm kinh nghiệm làm giáo viên và quản trị viên ở New Jersey, cho biết kể từ khi bà làm giáo viên vào những năm 1990, bà vẫn luôn thích cách tiếp cận giảng dạy theo nhu cầu và linh hoạt hơn.

“Vào những năm 1990, có một phương thức truyền thống trong một lớp học, chính là chương trình giảng dạy dựa trên nhu cầu địa phương của cộng đồng. Và bất kể chương trình giảng dạy là gì đi nữa, chúng tôi, với tư cách là giáo viên đứng lớp, có thời gian để thực sự đi sâu vào mỗi vấn đề của môn học với các học sinh,” bà Torley nói với người dẫn chương trình Jenny Chang. “Học sinh thì vẫn luôn ham học hỏi và sáng tạo, cũng như hiện nay. Nhưng chúng tôi, những giáo viên, có nhiều thời gian hơn trong lớp học, để thực sự đi sâu vào những điều mà các em học sinh có thể quan tâm.”

Theo bà Torley, một “nền giáo dục thực sự” chính là phải nhằm hỗ trợ sự phát triển nhân cách của mỗi học sinh.

“Nếu các em có cơ hội học hỏi và nhận thức thông qua các lựa chọn và việc ra quyết định của mình, rồi được hỗ trợ trong lớp học, trong toàn bộ trường học, từ đó gây dựng một cơ sở văn hóa nuôi dưỡng sự kiên cường, đầy lòng trắc ẩn, thì sau này các em học sinh sẽ có cơ hội để bước ra thế giới với một nền tảng vững chắc,” bà nhận định. “Nếu bạn là một người tốt, và bạn có một kim chỉ nam đạo đức vững chắc [dẫn hướng cho mình], thì cho dù điều gì đang diễn ra trên thế giới, bạn đều có thể nhận thức rõ và đưa ra những lựa chọn đúng đắn.”

Bà Torley nhận thấy mọi thứ trong trường học đã thay đổi khi Đạo luật Không bỏ sót một trẻ em nào (No Child Left Behind Act) có hiệu lực vào năm 2002, tiếp sau đó là Tiêu chuẩn Tiểu bang Chung vào năm 2010. Các môn học như lịch sử, khoa học và ngoại ngữ phải nhường chỗ để giáo viên có đủ thời gian tập trung vào toán và môn đọc, nhằm đáp ứng các yêu cầu kiểm tra tiêu chuẩn, vốn ràng buộc với các khoản tài trợ của liên bang.

“Nó đã làm rung chuyển toàn bộ những gì đang diễn ra trong trường học,” bà Torley nhận xét. “Cách dạy truyền thống đó, dựa trên cộng đồng địa phương và nhu cầu của họ đối với những học sinh đó, đã thay đổi hoàn toàn. Và đột nhiên, [chương trình giảng dạy phải theo] những gì chính phủ liên bang muốn, dựa vào số tiền họ đã cung cấp [ngân sách] cho các tiểu bang.”

Bà Torley còn cho hay, sự thay đổi này đã khiến nhiều giáo viên kỳ cựu nghỉ việc sau khi họ nhận thấy hoặc ý thức được rằng đây không phải là loại hình giáo dục mà họ muốn tham gia. Đối với các giáo viên mới, họ sẽ phải đảm bảo nội dung giảng dạy cụ thể mỗi ngày theo yêu cầu của chương trình Common Core, và không thể tạm dừng lại để giúp những học sinh đang gặp khó khăn theo kịp. (Common Core là hệ thống phác thảo các kỹ năng và kiến thức mà học sinh trường công phải đạt được ở mỗi khối lớp từ mẫu giáo cho đến lớp 12.)

Bà Torley hồi tưởng: “Thời điểm đó, điều khó khăn nhất của tôi ở cương vị hiệu trưởng chính là khi giáo viên đến văn phòng của tôi, thể hiện sự tức giận hoặc thất vọng. Họ không có thời gian mà họ cảm thấy cần thiết để có thể hỗ trợ các sinh viên một cách thực thụ.”

Khi được hỏi về sự phổ biến của lý thuyết chủng tộc phê phán hiện nay, bà Torley cảm thán rằng bà không thể hiểu nổi tại sao một hệ tư tưởng có thể dẫn đến thực trạng ‘bắt nạt và quấy rối’ dựa trên phân biệt chủng tộc như vậy lại có chỗ đứng trong các trường học.

Bà nói rằng, tại New Jersey có các điều luật mạnh mẽ liên quan đến vấn đề “bắt nạt và chống bắt nạt”, đảm bảo rằng trẻ em không bị đe dọa bởi bất kỳ ai vì màu da, chủng tộc, sắc tộc của chúng. “Chúng tôi được giao nhiệm vụ ngăn chặn điều đó xảy ra, nhưng rồi đột nhiên, lý thuyết [chủng tộc phê phán] lại này được đưa vào hệ thống giáo dục.”

Bà Torley gợi ý rằng các bậc cha mẹ cần phải hành động để có được phương pháp giáo dục mà họ muốn dành cho con cái của mình, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại.

Bà khẳng định: “Các gia đình có truyền thống và họ có giá trị [của mình], họ hiểu rõ từ góc độ đạo đức về những gì là tốt nhất cho con cái họ. Và tôi tin rằng, hơn bao giờ hết, trong 25 năm kinh nghiệm của mình, các bậc cha mẹ cần phải tham gia các cuộc họp của hội đồng giáo dục. Họ cần nói chuyện với những người chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra trong việc giáo dục con cái họ tại trường học, đồng thời trò chuyện với các phụ huynh khác, sau đó đưa ra quyết định xem môi trường này có phù hợp với con họ không. Nếu không [thấy phù hợp], hãy nêu rõ điều đó và yêu cầu thay đổi.”

“Bước đầu tiên là cần đảm bảo rằng mọi người nhận thức được những gì đang diễn ra và có sự giao tiếp với nhau”, bà cho biết thêm. “Cần phải có sự giao tiếp. Cần phải trò chuyện với hàng xóm của bạn. Cần phải đến gặp hội đồng giáo dục của bạn. Cần phải xem xét các bài tập về nhà của con cái bạn, và thẳng thắn nói rằng: ‘Điều này không đúng’ hay ‘Đây không phải là điều tôi muốn cho con mình’.”

Minh Ngọc biên dịch (Theo NTD)

Xem thêm: