Giới chức Nga hôm thứ Bảy (8/1) đã phản ứng cực kỳ tức giận về tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng Kazakhstan có thể sẽ gặp khó trong việc loại bỏ lính Nga.

Embed from Getty Images

Ngoại trưởng Blinken hôm thứ Sáu (7/1) đã phản bác biện giải của Nga về việc điều quân đội tới Kazakhstan sau khi quốc gia Trung Á từng thuộc Liên Xô bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình quần chúng trên toàn quốc.

Một bài học lịch sử gần đây là một khi người Nga ở trong nhà của bạn, thì đôi khi rất khó để mời họ rời đi”, ông Blinken nói.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án phát biểu của ông Blinken là “kiểu tấn công điển hình” và cáo buộc nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ đang nói dối về những sự kiện kịch tính tại Kazakhstan. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Washington nên phân tích quá trình chính họ can thiệp vào các nước như Việt Nam và Iraq.

Nếu Antony Blinken yêu thích các bài học lịch sử nhiều đến vậy, thì ông ta nên xem xét đến điều này: khi người Mỹ ở trong nhà của bạn, thì bạn khó có thể sống yên ổn mà không bị cướp bóc hay hãm hiếp”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố trên tài khoản Telegram của cơ quan này.

Chúng ta đã được dạy về điều này không chỉ ở quãng thời gian gần đây mà còn là cả chiều dài 300 năm lịch sử nước Mỹ”, Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định việc triển khai quân đội vào Kazakhstan là phản ứng hợp pháp theo yêu cầu được trợ giúp từ quốc gia Trung Á, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

CSTO là liên minh an ninh do Nga lãnh đạo được thành lập năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ. 6 thành viên của liên minh này gồm: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan.

Theo hãng tin RT (Nga), CSTO đã triển khai gần 3000 quân tới Kazakhstan hôm thứ Năm (6/1) và thứ Sáu (7/1). Mục tiêu chính của lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO là bảo vệ “các cơ quan chính phủ và các cơ sở chiến lược”. Binh lính của CSTO cũng sẽ giúp lực lượng an ninh địa phương “duy trì trật tự” đất nước, theo tuyên bố của Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas.

Các quan chức CSTO hứa rằng binh lính của lực lượng này sẽ không tham gia đối đầu trực tiếp với người biểu tình và những kẻ bạo loạn. Nhiệm vụ đó sẽ tiếp tục do lực lượng an ninh Kazakhstan đảm nhiệm.

RT dẫn lời ông Stanislav Zas cho biết binh lính CSTO sẽ ở lại Kazakhstan đến chừng nào đất nước này vẫn cần trợ giúp. Nhưng vị quan chức này cũng nói lực lượng CSTO triển khai tới Kazakhstan là trong “khoảng thời gian ngắn”.

Việc Nga đổ quân vào Kazakhstan thông qua khối liên minh CSTO trong đúng thời điểm cẳng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang leo thang mạnh mẽ liên quan đến vấn đề Ukraine.

Moscow thời gian gần đây đã triển khai hàng chục nghìn quân tới khu vực biên giới giáp Ukraine. Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga đang chuẩn bị tấn công xâm lược Ukraine, nhưng Moscow phủ nhận điều này.

Trong tuần tới, sẽ diễn ra liên tiếp các cuộc đàm phán an ninh giữa Nga với Mỹ, NATO và các quốc gia châu Âu khác tại Thụy Sĩ, Bỉ và Áo.

Xuân Thành

Xem thêm: