Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) của Liên hợp quốc (LHQ) đã được khai mạc tại thành phố Glasgow của Scotland vào hôm Chủ Nhật (31/10), sẽ kéo dài cho đến 12/11. Ông Chủ tịch Alok Sharma (nghị sĩ Anh) của COP26 đã kêu gọi tất cả các nước cần hợp tác để tránh tác động thảm khốc do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra. Sau đây là một số điểm chính cần biết tại COP26.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Anh Johnson (trái), Tổng thống Mỹ Biden (giữa) và Tổng thư ký LHQ Guterres tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ khai màn ngày 1/11. (Nguồn: Christopher Furlong / Getty Images). 

Tham gia và không tham gia

Hơn 120 nhà lãnh đạo thế giới đã xác nhận tham gia COP26, tiêu biểu như Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Anh Johnson, Alok Sharma – Nghị sĩ Anh và Chủ tịch của COP26, Thủ tướng Ấn Độ Modi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron…

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ có mặt.

Một số nhà lãnh đạo quan trọng không tham gia gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Sáu mục tiêu của COP26

CNN đưa tin, Nghị sĩ Anh và Chủ tịch của COP26 là Alok Sharma tuyên bố hy vọng COP26 sẽ đạt được thỏa thuận về 6 mục tiêu chính sau:

  1. Kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C so với mức thời trước cách mạng công nghiệp.
  2. Xác định kỳ hạn chấm dứt sử dụng than.
  3. Tài trợ hàng năm cho vấn đề khí hậu khoảng 100 tỷ USD, các nước giàu đồng ý giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
  4. Trong 14-19 năm thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 đối với tất cả ô tô mới đưa ra thị trường.
  5. Trong vòng 10 năm phải chấm dứt và đảo ngược được vấn nạn phá rừng, vì rừng đóng vai trò quan trọng trong loại bỏ carbon khỏi khí quyển.
  6. Giảm phát thải khí metan. Khả năng gây nóng của khí metan gấp 80 lần khí cacbonic. Mỹ và Liên minh châu Âu đang dẫn đầu trong cam kết đến năm 2030 giảm 30% lượng khí thải metan.

Công bố khoản đầu tư vào khí hậu lớn nhất trong lịch sử của Mỹ

Theo Reuters, vào thứ Hai, cố vấn khí hậu Gina McCarthy của Tổng thống Mỹ cho biết ông Biden sẽ đảm bảo với các nhà lãnh đạo thế giới rằng Mỹ có thể thực hiện cam kết trước năm 2030 sẽ giảm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngay cả khi các chính sách quan trọng để đảm bảo giảm lượng khí thải này vẫn chưa chắc chắn.

McCarthy nói rằng ông Biden cam kết đạt được mục tiêu này, biện pháp là thông qua một dự luật ngân sách quan trọng dùng 555 tỷ USD cho vấn đề khí hậu; dự luật đang chờ bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng.

Ông McCarthy cho biết đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm ứng phó vấn đề khí hậu, sẽ giúp đến năm 2030 nước Mỹ giảm được hơn 1 tỷ tấn lượng khí thải.

Thủ tướng Anh sẽ công bố thêm 1 tỷ bảng hỗ trợ tài chính khí hậu

Dự kiến tại COP26 này Thủ tướng Anh Johnson sẽ tuyên bố rằng nếu nền kinh tế nước Anh tăng trưởng như mong đợi, trước năm 2025 nước Anh sẽ cung cấp thêm 1 tỷ bảng Anh (1,368 tỷ USD) cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo một tuyên bố của Chính phủ Anh đưa ra vào tối Chủ nhật (31/10), cho biết có thể tại COP26 vào thứ Hai, ông Johnson sẽ tuyên bố thế giới phải chuyển đổi từ mong muốn sang hành động để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Khẳng định lại COP21 Paris

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ được tổ chức mỗi năm một lần, nhưng năm 2020 bị hoãn lại do đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Các hội nghị này là những sự kiện có quy mô lớn với nhiều hội nghị bên lề, thu hút sự tham gia của giới kinh doanh, công ty nhiên liệu hóa thạch, nhà hoạt động khí hậu và các nhóm khác có lợi ích trong vấn đề nguy cơ khí hậu. COP26 sẽ khẳng định lại COP21 Paris.

Sau COP21 được tổ chức vào năm 2015, hơn 190 nước đã ký “Thỏa thuận Paris” nhằm nỗ lực cho mục tiêu nhiệt độ toàn cầu tăng trong khoảng 2°C so với mức trước cách mạng công nghiệp, nhưng tốt nhất là trong khoảng 1,5°C.

Mục tiêu của COP26 có đạt thành?

Dù trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome vào ngày 31/10, các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đồng ý thực hiện “các hành động có ý nghĩa và hiệu quả” trong nỗ lực kiểm soát nóng lên toàn cầu. Nhưng thỏa thuận về khí hậu tại G20 đưa ra ít cam kết cụ thể, cũng như không đề cập đến mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 vì các nước có những chia rẽ trong mục tiêu này. Thông cáo chung cuối cùng của G20 chỉ tuyên bố sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 “vào khoảng giữa thế kỷ này”, chứ không phải khẳng định thời hạn cuối vào năm 2050 mà G7 cam kết tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Sáu.

Trong cuộc họp báo tại G20, Thủ tướng Anh Johnson đã nhấn mạnh: “Nếu Glasgow (hội nghị thượng đỉnh về khí hậu) thất bại, thì ‘tất cả đều thua’ theo cách không thể cứu vãn… Khi đó Thỏa thuận Paris cũng sẽ vô ích”.

Mộc Vệ, theo Epoch Times

Xem thêm: