Các vấn đề như tắc nghẽn tại nhiều cảng quan trọng trên thế giới và thiếu nhân lực tài xế xe tải đã khiến toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế. Tại Mỹ, do nguồn cung căng thẳng nên các cửa hàng trên toàn quốc vẫn có hiện tượng kệ hàng trống. Các chuyên gia cho rằng mỗi một khâu trong chuỗi cung ứng đều có những thách thức riêng.

Embed from Getty Images

Hình ảnh cảng Long Beach, California, trên bờ biển phía tây nước Mỹ. (Ảnh: Getty)

Cuộc khủng hoảng này hiện đang ảnh hưởng đến mỗi một ngành nghề trong chuỗi cung ứng.

1. Cảng California

Các cảng luôn là vấn đề trước tiên và trung tâm của các cuộc thảo luận về tình trạng ứ đọng của chuỗi cung ứng. Tại California, số lượng tàu container xếp hàng để chờ bốc dỡ bên ngoài cảng chính đã phá kỷ lục.

BBC dẫn lời ông Gary Hufbauer, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng vấn đề trực tiếp mà các cảng phải đối mặt là thiếu nhân viên bến cảng, tài xế xe tải và nhân viên đường sắt lành nghề để xếp dỡ container.

Ông cho rằng phần lớn điều này phản ánh tình trạng thiếu nhân công do dịch bệnh gây ra, nhưng nó cũng phản ánh tình trạng thiếu tài xế do nghỉ hưu, đặc biệt là thiếu tài xế xe tải.

Mặc dù nhiều cảng đang xảy ra tình trạng tắc nghẽn như vậy, nhưng không phải tất cả các nơi đều như thế. Thống đốc Florida Ron DeSantis thông báo rằng cảng biển của tiểu bang đã “mở cửa và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm trong kỳ nghỉ lễ”.

Fox News dẫn lời của ông Robert Bernardo thuộc Cảng Oakland, họ không gặp phải hiện tượng kẹt và sẵn sàng cho kinh doanh nhiều hơn nữa. 

Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề tắc nghẽn ở các cảng khác không đơn giản như việc chuyển hướng giao thông tắc nghẽn từ Los Angeles đến Oakland. “Cảng biển là một mạng lưới rất phức tạp, giống như hiệu ứng domino,” ông Bernardo nói.

Ông Bernardo chỉ ra rằng “nguyên nhân căn bản” của việc ứ đọng hàng hóa là do thương mại điện tử gia tăng. Ông nói rằng đại dịch COVID-19 đã “thay đổi” cách mua sắm của người Mỹ.

Theo “Chỉ số kinh tế kỹ thuật số của Adobe”, mua sắm trực tuyến trong kỳ nghỉ lễ năm nay dự kiến ​​sẽ đạt mức kỷ lục 207 tỷ đô la Mỹ.

2. Đường sắt

Nhiều hàng hóa được nhập khẩu vào Mỹ thông qua vận chuyển đường sắt. Ông John Grey thuộc Hiệp hội Đường sắt Mỹ (AAR) cho biết, việc ứ đọng hàng hóa ở các lĩnh vực khác của chuỗi cung ứng có tác động tiêu cực đến khả năng giao nhận hàng hóa của ngành đường sắt.

Ông John Gray chỉ ra, một mặt, số lượng hàng hóa “nhiều chưa từng có” đang đợi vận chuyển, mặt khác là thiếu nhân lực khiến cho ứ đọng và gây trở ngại đến việc vận chuyển hàng hóa đến điểm đến cuối cùng.

“Không thể nào chỉ trong một đêm mà có thể tăng năng lực vận hành lên 10%, 15%, 20%”, ông John Gray nói. Đồng thời ông cũng chỉ ra, ngành vận tải đường sắt vẫn đang cố gắng thích ứng với nhu cầu liên tục tăng, nhưng lượng lớn hàng hóa đổ dồn vào cũng sẽ tạo ra áp lực cho các mức độ cung ứng.

Ông nói, phương án giải quyết cần phải có thời gian, hơn nữa “không có ảo thuật nào để triển khai được”.

3. Tài xế xe tải

Theo Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ, tình trạng thiếu công nhân đang làm khó hầu hết các ngành công nghiệp ở Mỹ đã dẫn đến sự thiếu hụt 80.000 tài xế xe tải.

Ông Shawn Yadon, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa California, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business News, điều này cùng với sự thiếu hụt nhân công trong chuỗi cung ứng đã tạo ra “cơn bão hoàn hảo”.

Giống như các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp khác, ông Shawn Yadon nói rằng không có loại thuốc tốt nào nào có thể giải quyết sự ứ đọng. Ông nói “Giải pháp tổng thể phải đến từ mỗi một bên có liên quan trong chuỗi cung”, đồng thời ông cũng chỉ ra rằng mọi ngành phải “đồng bộ ”.

Ông nói, “Nếu bạn nhìn vào mỗi một bước hoặc mỗi một khâu trong chuỗi cung ứng, thì liền biết rằng mỗi người chúng ta đều cần trở thành một phần của phương án giải quyết.”

4. Nhà bán buôn – nhà phân phối

Fox News dẫn lời ông Eric Hoplin của Hiệp hội Các nhà bán buôn và phân phối toàn quốc cho biết, ngành nghề của ông chiếm 1/3 nền kinh tế Mỹ, nhưng giống như nhiều ngành khác, nó đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng. Chính sách vắc-xin của ông Biden có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Ông Hoplin cho biết, chính sách vắc-xin của ông Biden yêu cầu các nhà thầu liên bang phải tiêm vắc xin hoặc chấm dứt hợp đồng, điều này có thể buộc công ty phải sa thải hàng chục ngàn nhân viên trong những tuần trước Giáng sinh. Nếu vấn đề này không được giải quyết, nó sẽ ảnh hưởng đến Giáng sinh, và các gia đình Mỹ sẽ không cách nào nhận được những món quà mà họ mong đợi.

Ông Hoplin chỉ ra, ngành nghề của của ông đang nỗ lực để tăng số lượng nhân viên và duy trì hàng tồn kho trên kệ, nhưng họ dự đoán rằng chuỗi cung ứng sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức vào năm 2022.

5. Tắc nghẽn container tại các cảng của Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình chuỗi cung ứng đang căng thẳng

Trong một bài viết đăng trên Epoch Times, ông Antonio Graceffo, Giáo sư kinh tế và nhà phân tích Trung Quốc cho biết, thương mại container của Trung Quốc chiếm gần 40% tổng sản lượng toàn cầu và tuyến đường hàng hải phổ biến nhất là từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ và Bắc Âu. Ngày 7/10, 2 cảng nhộn nhịp nhất Trung Quốc là Thượng Hải (cảng container lớn nhất thế giới) và Ninh Ba (cảng lớn thứ ba thế giới) có khoảng 386 tàu hàng và tàu container neo đậu tại các cảng này.

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Mỹ, tình trạng thiếu sản phẩm trên các kệ hàng bán lẻ, cho đến việc giá cả tăng cao mà người tiêu dùng Mỹ cảm nhận được, đều trở nên trầm trọng hơn do không thể mua được sản phẩm và xuất khẩu sản phẩm từ Trung Quốc. Do hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19, mất điện, thiếu than, bão Chanthu, và việc ứ đọng tại các nhà máy và cảng, lĩnh vực kho vận của Trung Quốc cũng đã bị ảnh hưởng.

Thời gian tàu dừng lại (thời gian tàu chờ tại cảng) tại các cảng của Trung Quốc đã tăng mạnh, làm tăng thời gian giao hàng đến điểm đến cuối cùng. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt sản phẩm và chậm trễ đến tay doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây là một đòn giáng đặc biệt nặng nề khi thế giới chuẩn bị mua sắm vào dịp nghỉ lễ cuối năm và cố gắng phục hồi sau đại dịch kinh tế. Tình trạng ứ đọng hàng hóa ngày càng gia tăng tại các nhà máy và cảng của Trung Quốc đang gây ra sự hỗn loạn cho các nhà bán lẻ và các cảng ở Mỹ và châu Âu.

6. Nhà xuất khẩu

Ông Rob Lapsley, Chủ tịch Hội nghị bàn tròn thương mại California cho biết, đối với nhiều nhà xuất khẩu mà nói, họ sẽ đối mặt với khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa ra khỏi nước Mỹ.

Ông chỉ ra, xuất khẩu là “một nửa khác của khủng hoảng”, đồng thời ông cũng cho biết các nhà xuất khẩu nông nghiệp “gần như trong trạng thái hoang mang”.

“Nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào việc có thể kịp thời vận chuyển hàng hóa hay không … để tránh hàng hóa bị hỏng, và để những hàng hóa này có thể vào thị trường đúng thời điểm tiêu dùng, nhất là vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Á – Thái Bình Dương.”

Ông Rob Lapsley còn cho biết, không có bất cứ biện pháp hóa giải nào. Do đó, việc vô cùng quan trọng hiện nay là thúc đẩy xuất khẩu những hàng hóa này.

Theo Lý Duyên, Epoch Times

Xem thêm: