Ngày 24/3, Hoa Kỳ và các đồng minh đã gia tăng sức ép lên Moscow trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine. Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với hàng chục công ty quốc phòng Nga, hàng trăm thành viên quốc hội và giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất nước này.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đưa ra hướng dẫn trên trang web của mình, cảnh báo rằng các giao dịch vàng liên quan đến Nga có thể bị chính quyền Hoa Kỳ chế tài, một động thái nhằm ngăn chặn Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt hiện tại.

“Mục đích của chúng tôi ở đây là loại bỏ một cách có hệ thống những lợi ích và đặc quyền mà Nga từng được hưởng với tư cách là một bên tham gia vào trật tự kinh tế quốc tế”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết và yêu cầu được giấu tên.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt một số vòng trừng phạt, nhắm vào cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông chủ nhà băng lớn nhất nước này, kể từ khi lực lượng Nga xâm lược Ukraine vào tháng trước. Chiến tranh của Nga lần này được xem là cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Moscow gọi vụ tấn công là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm giải giáp vũ khí và “phi hạt nhân hóa” nước láng giềng.

Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, trong số các mục tiêu trừng phạt mới có hơn 40 công ty quốc phòng, bao gồm Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật thuộc sở hữu nhà nước Nga, Tổng giám đốc của tập đoàn này và 28 công ty liên kết với nó.

Bộ Tài chính cho biết hành động của Washington tương đồng với các biện pháp của Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Canada.

Anh đã trừng phạt tập đoàn sản xuất các hệ thống hải quân và vũ khí mà Nga sử dụng để xâm lược Ukraine, bao gồm Kh-31, một loại tên lửa dẫn đường trên không tốc độ cao đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc tấn công của Moscow.

Danh sách chế tài mới bao gồm các nhà sản xuất đạn dược cho quân đội và dân sự, trực thăng quân sự, và máy bay không người lái. Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, máy bay không người lái ban đầu được thiết kế để phục vụ hoạt động giám sát tuy nhiên sau đó được “chuyển đổi mục định” để dùng tấn công các lực lượng Ukraine.

Bộ Tài chính cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 328 thành viên của Duma, Quốc hội Nga và Herman Gref, người đứng đầu Sberbank – tập đoàn tài chính lớn nhất của Nhà nước Nga. Ông Herman Gref được cho là một cộng sự thân cận của ông Putin.

Tháng trước, các ngân hàng Hoa Kỳ phải cắt đứt quan hệ ngân hàng đại lý – vốn cho phép các bên thực hiện thanh toán qua lại và chuyển tiền trên toàn cầu – với Sberbank, nhưng không đóng băng tài sản của họ. 

Hôm 24/3, Hoa Kỳ cũng nhắm mục tiêu vào 17 thành viên hội đồng quản trị Sovcombank, ngân hàng vốn đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, và ông Gennady Timchenko, đồng minh lâu năm của ông Putin cũng như các công ty và thành viên gia đình của ông này.

Vị quan chức giấu tên cho biết Hoa Kỳ từng cảnh báo Tổng thống Putin về những hậu quả nghiêm trọng và ngay lập tức nếu ông xâm lược Ukraine, và họ đã thực hiện lời đe dọa đó. Cũng theo vị quan chức này, một đất nước nếu phải đối diện với các lệnh trừng phạt gia tăng và các tổn thương về kinh tế thì sẽ bị ‘rớt’ khỏi 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Vị quan chức phát biểu: “Nước Nga sẽ sớm đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về ý tưởng, tài năng và công nghệ để cạnh tranh trong thế kỷ 21, và ông Putin sẽ phải chịu thất bại về mặt chiến lược do chính mình tạo ra.”

Vào đầu tuần này, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tham vấn với các đồng minh về việc loại Nga khỏi Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20.

Các biện pháp trừng phạt và hậu quả kinh tế mà chúng mang lại có thể khiến cuộc thảo luận trở nên dễ dàng hơn khi Moscow không còn đủ điều kiện để tham gia G20 vì nền kinh tế đang bị thu hẹp.

Vy An (Theo Reuters)