Hongjin Tan, nhà khoa học Trung Quốc đang làm việc cho một công ty năng lượng tại Mỹ với vai trò nghiên cứu pin dung lượng cao thế hệ mới đã nhận tội ăn cắp bí mật thương mại sau khi bị nhà chức trách Mỹ truy tố.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng vừa truy tố một giảng viên kỹ thuật người Trung Quốc khác tại trường Đại học Tennessee vì tội che giấu mối quan hệ với Bắc Kinh trong khi nhận tài trợ của NASA.

hongjjn tan 2
Nhà khoa học Trung Quốc Hongjin Tan vừa bị Tòa án liên bang Mỹ xử 2 năm tù về tội ăn cắp bí mật thương mại (Ảnh: Linkin)

Tờ SCMP cho hay Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Năm 27/2 đã tuyên bố rằng nhà khoa học Trung Quốc Hongjin Tan bị tuyên án 2 năm tù vì tội ăn cắp bí mật thương mại trị giá lên tới 1 tỷ USD từ công ty năng lượng Phillips 66.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt các vụ kiện tụng chống lại các kỹ sư và nhà khoa học làm việc ở Mỹ có liên đới tới chính quyền Trung Quốc, trong bối cảnh Washington ngày càng cảnh giác với các chiến thuật xâm nhập và mua chuộc kỹ thuật, công nghệ của Bắc Kinh.

Ông Tan, 36 tuổi, đã nhận tội vào tháng 11/2019, thừa nhận ông đã copy và tải về USB của mình các tài liệu thuộc sở hữu của công ty mà không được chủ công ty cho phép. Ngoài ra, Thẩm phán liên bang Gregory Frizzell phán ông Tan phải bồi thường thêm 150.000 USD cho Phillips 66 và chịu thêm 3 năm quản chế sau khi ra tù.

“Những cá nhân không có đạo đức như Hongjin Tan đã tìm cách ăn cắp bí mật thương mại của người Mỹ để mang về Trung Quốc để họ có thể copy công nghệ của chúng ta”,  Luật sư Trent Shores nói trong một tuyên bố. “Giới luật sư Hoa Kỳ trên khắp cả nước sẵn sàng đứng lên chống lại hành vi xâm lược kinh tế của Trung Quốc đang đe dọa một cách nghiêm trọng các ngành kinh tế của Mỹ”.

Theo Bộ Tư pháp, Tan làm việc cho công ty Phillips 66 tại Bartlesville, Oklahoma với vai trò một trợ lý khoa học nghiên cứu công nghệ pin thế hệ mới trong thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2018. Các tiến bộ trong ngành pin năng lượng cũng là một chìa khóa trọng tâm để Bắc Kinh đạt được tham vọng “Made in China 2025”. Tham vọng này nằm nhằm biến Trung Quốc trở thành trung tâm kinh tế công nghệ cao của thế giới, phát triển vượt bậc về thiết bị điện, viễn thông, di động, năng lượng xanh, robot và rất nhiều ngành cần đến pin dung lượng cao khác.

Theo cáo trạng nhận tội, Tan đã copy “hàng trăm file tài liệu”, bao gồm các thông tin bản quyền vào một bộ nhớ ngoài (USB) vào ngày 11/12/2018. Ngày hôm sau ông này từ chức và được đưa ra ngoài tòa nhà công ty. Nhưng sau đó vài giờ, ông ta được cho là đã quay lại cùng với USB và nói rằng mình quên chưa trả lại công ty.

Kiểm tra kỹ lưỡng USB, các nhà chức trách phát hiện bằng chứng cho thấy 5 tài liệu đã bị xóa và FBI sau đó tìm thấy ở nhà ông này một ổ cứng chứa 5 file tài liệu này.

Bộ Tư pháp nói rằng Tan có âm mưu chuyển những file này về Trung Quốc

FBI cho hay họ phát hiện trong laptop của ông Tan một hợp đồng lao động với một công ty Trung Quốc đang sản xuất vật liệu làm pin ion lithium.

Theo lời khai, công ty Phillips 66 đã gọi cho FBI vào tháng 12/2018 để báo cáo vụ ăn cắp bí mật công nghệ. Cùng khoảng thời gian đó, Tan nói với một đồng nghiệp cũ rằng ông sẽ trở về Trung Quốc. Nhưng chưa kịp làm gì thì ông này bị bắt vào ngày 20/12/2018.

“Việc truy tố và điều tra đã làm lộ tẩy một trường hợp nữa của chuỗi hành động ngoan cố nhằm ăn cắp tài sản trí tuệ Mỹ của Bắc Kinh”, Phó chưởng lý về vấn đề an ninh quốc gia John Demers nói trong một tuyên bố. “Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đối đầu với những hành động mờ án này để bảo vệ các ngành kinh tế và việc làm của người Mỹ”.

Trong một chiến dịch gọi là “Sáng kiến Trung Quốc” được đưa ra từ năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố nhiều nhà khoa học có nguồn gốc Trung Quốc và một số nhà khoa học không phải gốc Á nhưng có liên hệ với Bắc Kinh về các cáo trạng như vi phạm luật báo cáo, sao chép trái luật và chi phí công tác bất hợp lý, các tội này đều nhẹ hơn gián điệp kinh tế, tờ SCMP cho biết.

Cũng trong ngày thứ Năm, Bộ Tư pháp cho hay Anming Hu phó giáo sư kỹ thuật tại Đại học Tennessee đã bị bắt và truy tố về 3 tội lừa đảo tiền và 3 tội khai man.

Cáo trạng ghi ông Hu, một người  Trung Quốc bị buộc tội lừa đảo NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) khi ông che giấu quan hệ với Đại học Công nghệ Bắc Kinh trong khi nhận tài trợ từ NASA, một hành động vi phạm luật Mỹ. Ông Hu đang phải đối mặt với án tù 20 năm tại Mỹ cùng với việc bị phạt 250.000 USD với mỗi tội lừa đảo.

Hồi tháng Một, cộng đồng khoa học ở Mỹ đã rúng động khi nghe tin Chủ tịch Khoa Hóa của Đại học Harvard Charles Lieber bị bắt vì tình nghi cố tình không báo cáo việc ông tham gia chương trình Hàng ngàn nhân tài của Bắc Kinh. Ông Lieber hiện được tại ngoại sau khi nộp 1 triệu USD bảo lãnh.

Chương trình Ngàn nhân tài được Bắc Kinh tung ra năm 2008, nhằm tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài ở các ngành nghề cụ thể. Ông Lieber là chuyên gia trong ngành công nghệ nano, một ngành có quan hệ chặt chẽ với nghiên cứu pin dung lượng cao thế hệ mới.

Các tổ chức khoa học và học thuật Mỹ, trong đó có cả Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ và Hiệp hội các trường đại học Mỹ đều thừa nhận rằng rủi ro gián điệp kinh tế và khoa học từ Trung Quốc ngày càng tăng lên.

Trọng Đức

Xem thêm: