Hoa Kỳ đang cân nhắc các phương án trừng phạt Trung Quốc để ngăn chặn nước này xâm lược Đài Loan, trong khi Liên minh châu Âu cũng phải chịu áp lực ngoại giao từ Đài Bắc để làm điều tương tự, theo nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận.

shutterstock 1408706489
Mỹ cân nhắc trừng phạt TQ nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược Đài Loan (Ảnh: fukomuffin/ Shutterstock)

Các nguồn tin cho biết, sự cân nhắc của Washington và cuộc vận động hành lang của Đài Bắc đối với các phái viên EU đều đang trong giai đoạn đầu – có thể coi là phản ứng trước những lo ngại đang gia tăng về một cuộc xâm lược của Trung Quốc khi căng thẳng quân sự leo thang ở Eo biển Đài Loan.

Trong cả hai trường hợp, mục đích là áp dụng các biện pháp trừng phạt ngoài các biện pháp vốn đã được áp dụng ở phương Tây nhằm hạn chế một số thương mại và đầu tư với Trung Quốc trong các công nghệ nhạy cảm như chip máy tính và thiết bị viễn thông.

Dù các nguồn tin không cung cấp thông tin chi tiết về những gì đang được xem xét, nhưng ý tưởng chế tài nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một trong những mắt xích lớn nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi.

Bà Nazak Nikakhtar, cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ nhìn nhận: “Khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong bối cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh đều chịu phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc.”

Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình. Tháng trước Bắc Kinh đã bắn tên lửa qua hòn đảo và điều tàu chiến băng qua biên giới biển không chính thức của họ, sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với Đại Lục và không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Ông dự kiến sẽ có thêm nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba tại đại hội Đảng Cộng sản vào tháng tới.

Trong khi đó, Chính phủ Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Tại Washington, các quan chức đang xem xét các lựa chọn cho một gói trừng phạt khả thi nhằm vào Trung Quốc để ngăn cản ông Tập có ý đồ xâm lược Đài Loan, một quan chức Hoa Kỳ cùng một quan chức từ quốc gia phối hợp chặt chẽ với Washington tiết lộ với Reuters.

Hai nguồn tin này cho hay, các cuộc thảo luận của Mỹ về lệnh trừng phạt Trung Quốc đã được bắt đầu sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2, và trở nên khẩn cấp hơn sau phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.

Hoa Kỳ, được sự hậu thuẫn của các đồng minh NATO, đã có cách tiếp cận tương tự với Nga từ tháng 2/2021 với lời đe dọa chế tài, nhưng điều này không ngăn cản được Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine.

Cũng theo nguồn tin trên, Nhà Trắng tập trung vào việc đưa các quốc gia vào cùng một lập trường, bao gồm phối hợp giữa châu Âu và châu Á, và tránh khiêu khích Bắc Kinh.

Ông Craig Singleton từ Tổ chức bảo vệ dân chủ Foundation for Defense of Democracies, nhận định: “Trong bức tranh toàn cảnh, các cuộc thảo luận về lệnh trừng phạt ban đầu có thể sẽ xoay quanh việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với một số công nghệ cần thiết để duy trì một chiến dịch quân sự chống lại Đài Loan.”

Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Trong khi Bộ Ngoại giao Đài Loan thông báo, họ đã thảo luận với Hoa Kỳ, châu Âu và các đối tác cùng chí hướng khác, về các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc và “những thách thức lớn” mà Trung Quốc đặt ra đối với Đài Loan và khu vực, nhưng không thể tiết lộ chi tiết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Trong một diễn biến khác, Đài Loan cũng đề cập các lệnh trừng phạt với giới chức châu Âu sau khi Nga xâm lược Ukraine. Và các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc đã khiến lập trường của Đài Loan trở nên cứng rắn hơn, sáu nguồn tin theo dõi các cuộc thảo luận Đài Loan-châu Âu nói với Reuters.

Các quan chức EU cho đến nay vẫn né tránh việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, vì nước này đóng một vai trò lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế của khối hơn là Nga, một nguồn tin khác quen thuộc với vấn đề này cho hay.

Minh Ngọc (Theo Reuters)