Hôm thứ Tư (1/8), Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo áp đặt chế tài lên hai quan chức cấp cao trong nội các của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ để ép đồng minh cùng thuộc khối NATO phải thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị cáo buộc hậu thuẫn một nỗ lực đảo chính chống lại ông Erdogan hai năm trước.

Muc su Brunson
Mục sư Brunson (giữa, đeo kính) đang đối mặt với án tù 35 năm. (Ảnh qua Globe Post Turkey)

Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ áp chế tài lên Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu liên quan đến vụ bỏ tù mục sư Andrew Brunson. Chính phủ Mỹ đổ lỗi cho cả hai quan chức này đã dính níu đến vụ bắt và giam giữ ông Brunson năm 2016.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức lên tiếng gọi hành động của Mỹ là “lập trường thù địch” và cho biết họ sẽ hành động trả đũa. Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã lao dốc do trường hợp của mục sư Brunson, bị giam giữ tại một nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 21 tháng và tuần trước đã được chuyển sang quản thúc tại gia.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói với phóng viên: “Chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Mục sư Brunson đã làm điều gì sai trái, và chúng tôi tin rằng ông ấy là nạn nhân của vụ giam giữ bất công và phi pháp do chính thủ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện”.

Theo Reuters, hôm thứ Ba (31/7), một tòa án tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ đơn kháng cáo của ông Bruson về việc yêu cầu thả tự do cho ông trong thời gian tòa xét xử ông về tội khủng bố.

Ông Brunson bị chính quyền Erdogan buộc tội giúp những người ủng hộ ông Fethullah Gulen, linh mục đang sống tại Mỹ mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông này đã lên kế hoạch và chỉ đạo nỗ lực đảo chính chống lại ông Erdogan năm 2016, vụ việc đã làm 250 người thiệt mạng. Ông Brunson cũng bị phía Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hỗ trợ nhóm phiến quân người Kurd – PKK.

Trong suốt hai năm qua, chính quyền Erdogan đã gia tăng nỗ lực để Washington đồng ý cho Ankara dẫn độ ông Fethullah Gulen về nước, nhưng bất thành.

Ông Brunson, đã sống ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn hai thập kỷ, sẽ đối mặt với án tù 35 năm nếu bị kết tội khủng bố, điều mà ông luôn phủ nhận.

Trong phát biểu hôm 1/8, bà Sanders nói rằng Tổng thống Trump đã trực tiếp đề cập tới trường hợp của ông Brunson với ông Erdogan. Vào tháng trước, ông Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nghĩ rằng họ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về việc thả tự do cho ông Brunson. Khi việc đàm phán đó không thành công, phía Mỹ bắt đầu gia tăng áp lực lên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Reuters dẫn thông tin từ quan chức Mỹ giấu tên.

Ông Pence, người có mối quan hệ gần gũi với cộng đồng Kitô giáo Tin lành đã luôn theo sát trường hợp của mục sư Brunson kể từ sau khi ông này bị bắt. Phó Tổng thống Mỹ cũng nỗ lực gây áp lực phía sau hậu trường để chính quyền Erdogan phải thả người, vị quan chức Mỹ giấu tên nói thêm.

Ngoại trưởng Mike Pompeo, đang trên đường tới Singapore, đã nói rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối thả ông Brunson “sau nhiều cuộc đối thoại giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Erdogan và các cuộc thảo luận của tôi với Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu”.

Tổng thống Trump đã kết luận rằng những chế tài này là hành động phù hợp”, ông Pompeo nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tiết lộ với báo giới rằng ông Pompeo đã trao đổi qua điện thoại với ông Cavusoglu và họ đã lên kế hoạch sẽ gặp nhau bên lề các cuộc họp ASEAN trong tuần này tại Singapore.

Các nhà phân tích nhận định ngoài vụ việc của ông Brunson, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng hơn trong hai năm qua còn do vai trò của Washington tại Syria và Ankara đổi chiều đẩy mạnh quan hệ hơn với Nga, nước ủng hộ chính quyền Assad.

Hùng Cường

Xem thêm: