Trước thềm kỷ niệm 34 năm sự kiện Thiên An Môn, các nhà lãnh đạo của hai đảng trong Ủy ban Chấp hành về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC) đã thông báo rằng họ sẽ đề cử 3 công dân Trung Quốc là ứng cử viên cho Giải Nobel Hòa bình năm 2023.

e197c112e29c72a2fdf90505cee46d87
Ông Bành Lập Phát –  “Dũng sĩ cầu Tứ Thông” tại Bắc Kinh (Ảnh qua NTDTV).

Những ứng viên gồm: Bành Lập Phát (Peng Lifa) – người giăng biểu ngữ phản đối ông Tập Cận Bình tại cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh, Trương Triển (Zhang Zhan) – một phóng viên tự do, và Lý Khang Mộng (Lý Khang Mộng) – sinh viên Đại học Truyền thông Nam Kinh Lý. Các nhà lập pháp Mỹ cho biết “tinh thần dũng cảm của những anh hùng này nên được tôn vinh trên toàn thế giới”.

Nhân kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989), Chủ tịch CECC là Dân biểu Cộng hòa Smith (Chris Smith) và đồng Chủ tịch là Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Merkley (Jeff Merkley) đã đưa ra một tuyên bố bằng văn bản vào hôm 2/6.

“Chúng tôi tưởng niệm thảm kịch Thiên An Môn hàng năm vì nó quá quan trọng, chúng tôi không thể quên, đồng thời ở Trung Quốc và thậm chí bây giờ ở cả Hồng Kông thì việc tưởng niệm thảm kịch Thiên An Môn là quá nguy hiểm,” lãnh đạo ủy ban cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. “Hôm nay chúng ta bày tỏ lòng thành kính với những người đã dũng cảm biểu tình cách đây 34 năm, đồng thời tưởng nhớ những người đã thiệt mạng vì xe tăng lao vào họ trên đường phố Bắc Kinh năm 1989.”

Trong tuyên bố, Smith và Merkley kêu gọi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giải trình đầy đủ về tung tích của những người bị giết, bị bắt hoặc mất tích vào 34 năm trước trong các cuộc biểu tình ôn hòa ở Quảng trường Thiên An Môn và tại hơn 400 thành phố trên khắp Trung Quốc. “Chúng ta phải luôn ghi nhớ vụ Thảm sát Thiên An Môn và không bao giờ cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc tẩy xóa tội ác này khỏi sử sách”, các nhà lập pháp Mỹ nói.

Các nhà lập pháp tiếp tục nói rằng bất chấp những làn sóng đàn áp, tàn bạo và lạm dụng, vẫn không thể triệt tiêu được khát vọng tự do của người dân Trung Quốc. Do đó, họ quyết định đề cử 3 công dân Trung Quốc bị chính phủ Trung Quốc giam giữ để tranh giải Nobel Hòa bình năm 2023, bao gồm: Bành Lập Phát – nhân vật chính của sự kiện thị uy cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh, Trương Triển – một phóng viên tự do đã đưa tin về sự kiện COVID-19 năm 2019 trên các nền tảng truyền thông xã hội, và Lý Khang Mộng – sinh viên Học viện Truyền thông Nam Kinh được biết đến là người khởi xướng “Phong trào Giấy trắng” trên Internet.

“Giống như những người biểu tình trước đây ở Quảng trường Thiên An Môn, những người yêu hòa bình này kêu gọi các nhà lãnh đạo ĐCSTQ công nhận và tôn trọng các quyền con người được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Hiến pháp Trung Quốc”, các nhà lãnh đạo CECC cho biết. “Nhưng thay vì đáp ứng những yêu cầu bằng sự minh bạch và tranh luận, nhà cầm quyền ĐCSTQ đã sử dụng quyền lực cảnh sát rộng lớn của họ để kiểm duyệt và bỏ tù những cá nhân này… Tinh thần dũng cảm của những anh hùng này nên được vinh danh trên toàn thế giới, cộng đồng quốc tế phải yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho họ”.

Ngoài Dân Biểu Smith và Thượng Nghị Sĩ Merkley, một số người khác như Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Rubio (Marco Rubio) và Dân biểu Dân chủ McGovern (Jim McGovern)… cũng tham gia đề cử 3 người trên với tư cách là ứng viên cho Giải Nobel Hòa bình.

Bành Lập Phát, Trương Triển và Lý Khang Mộng được coi là những trường hợp nổi tiếng nhất của xã hội Trung Quốc những năm gần đây trong việc lên tiếng về các chính sách của chính phủ ĐCSTQ và đấu tranh cho tự do. Mặc dù bị đàn áp bởi bộ máy kiểm duyệt khổng lồ của Bắc Kinh, hành động của họ đã thu hút làn sóng phẫn nộ đối với ĐCSTQ trên mạng xã hội Trung Quốc.

Sáng ngày 13/10/2022, ông Bành Lập Phát (tên trên mạng là Bành Tái Chu/Peng Zaizhou) đã treo hai biểu ngữ dài trên cầu Tứ Thông sầm uất ở Bắc Kinh để phản đối chính sách ‘Zero COVID’ của chính quyền Bắc Kinh. Một biểu ngữ viết: “Không cần axit nucleic mà cần cơm ăn! Không cần phong tỏa mà cần tự do! Không cần dối trá mà cần tôn nghiêm! Không cần Cách mạng Văn hóa mà cần cải cách! Không cần lãnh đạo [áp đặt] mà cần bầu cử! Không làm nô tài, cần làm công dân!” Biểu ngữ kia viết: “Đình công, đình công, đình công để loại quốc tặc độc tài Tập Cận Bình”. Mặc dù sau đó không còn thấy tung tích của ông Bành Lập Phát, nhưng hành động kêu gọi của ông đã khơi dậy biểu tình ở nhiều thành phố Trung Quốc, nhiều người đã chia sẻ các áp phích phản đối trên internet. Cho đến hôm nay, ông Bành Lập Phát và nhiều người biểu tình vẫn đang bị bắt giữ hoặc mất tích.

Phóng viên tự do Trương Triển đã bị bắt vì đăng video vạch trần và chỉ trích cách xử lý của chính quyền Bắc Kinh đối với đợt bùng phát COVID-19 năm 2019. Cô bị buộc tội truyền bá thông tin sai lệch và kích động tâm lý tiêu cực về bùng phát COVID-19, bị kết án 4 năm tù vào tháng 12/2020, từ tháng 5/2020 cô luôn bị giam giữ tại Nhà tù Khu vực Mới Phố Đông ở Thượng Hải.

Còn sinh viên Lý Khang Mộng của Học viện Truyền thông Nam Kinh – Trung Quốc, vào 26/11/2022 đã đứng trong khuôn viên trường giơ cao tờ giấy trắng để tưởng nhớ các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Urumqi – Tân Cương (những nạn nhân được cho là không thể chạy thoát hỏa hoạn vì ‘Zero COVID’). Hành động phản đối của cô sau đó đã lan rộng khắp Trung Quốc và được ví là “Phong trào Giấy trắng”, theo đó cô cũng được coi là người tiên phong của phong trào này. Sau vụ việc, Lý Khang Mộng đã bị bắt và tung tích của cô vẫn chưa được biết.

“Vào ngày tưởng niệm này, chúng tôi sát cánh với tất cả những người tìm kiếm tự do một cách hòa bình ở Trung Quốc để tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn”, các nhà lãnh đạo ủy ban CECC cho biết trong một tuyên bố khi họ tiếp tục vạch trần sự tàn bạo và các hành vi vi phạm nhân quyền khác của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời lưu ý việc truy cứu quan chức ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về tội ác chống lại loài người.

Trước đó, CECC đã dẫn đầu một số thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội đề cử một số nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông làm ứng cử viên cho Giải Nobel Hòa bình năm 2023, bao gồm: ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) là người sáng lập Hong Kong Next Media, Hồng y Trần Nhật Quân (Chen Rijun) từng là giám mục của Giáo phận Hồng Kông, cô Trâu Hạnh Đồng (Tonyee Chow Hang-tung) là Phó chủ tịch Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc (Hong Kong Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements of China), cô Hà Giai Lam (Gwyneth Ho Kwai-lam) là người phe dân chủ đã tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, anh Hoàng Chi Phong (Huang Zhifeng) là cựu Tổng thư ký của tổ chức dân chủ Demosistō, và ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) cựu Tổng thư ký của Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông (HKCTU).

Các nhà lập pháp cũng đề cập trong tuyên bố rằng, lễ kỷ niệm 34 năm sự kiện Thiên An Môn một lần nữa nhắc nhở mọi người “đừng nhầm lẫn người dân Trung Quốc với ĐCSTQ”.

“Do có quá nhiều người ở Trung Quốc không thể lên tiếng cho bản thân, chúng tôi cam kết lên tiếng cho họ, ủng hộ các nỗ lực hòa bình nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc và tìm cách trả tự do cho các tù nhân chính trị bị giam giữ tùy tiện. Người dân Trung Quốc phải biết rằng thế giới tự do sẽ không bao giờ quên lòng dũng cảm và sự hy sinh của họ”, các nhà lập pháp cho biết ở phần cuối của tuyên bố.

Giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel Na Uy bình chọn hàng năm. Các nghị sĩ, bộ trưởng nội các, nguyên thủ quốc gia, giáo sư đại học và những người từng đoạt giải Nobel Hòa bình đều có tư cách đề cử ứng viên. Theo Ủy ban Nobel, có hơn 300 ứng viên cho giải Nobel năm 2023.

Năm 2010 đã có nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc là nhà văn Lưu Hiểu Ba (đang bị cầm tù) đã được trao giải Nobel Hòa bình. Tháng 6/2017 sau chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, ông Lưu Hiểu Ba được tạm tha để chữa bệnh, ông qua đời vào ngày 13/7 năm đó ở tuổi 61.

Mộc Vệ (theo Đài VOA)