Ngày 25/2, 5 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đề xuất dự luật mới nhằm thu hồi quyền xin thị thực nhập cảnh nhiều lần trong vòng 10 năm đối với mọi công dân Trung Quốc, một chính sách mà họ cho rằng đã tạo lỗ hổng cho Trung Quốc lạm dụng, từ đó gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ. Trước đó, chính quyền Trump đã rút ngắn thời hạn hộ chiếu và số lần nhập cảnh từ 10 năm/nhiều lần xuống còn 1 năm/1 lần đối với quan chức ĐCSTQ.

Embed from Getty Images

Chương trình thị thực 10 năm, được triển khai vào năm 2014 dưới thời chính quyền Obama, cho phép công dân Trung Quốc có thể nhập cảnh ngắn hạn nhiều lần đến Mỹ trong khoảng thời gian 10 năm.

Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc đã khai thác chính sách ưu đãi này cho một số mục đích của họ, như cử các điệp viên tiến hành hoạt động gián điệp tại Hoa Kỳ trong khi leo thang gây hấn ở những nơi khác, các Thượng nghị sĩ cho biết.

“Khi cấp những thị thực này, Hoa Kỳ thực tế đã mở rộng vòng tay chào đón ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc], các cơ quan tình báo của họ,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton (tiểu bang Arkansas) nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Với tên gọi Đạo luật An ninh Thị thực (Visa Security Act), dự luật kêu gọi Hoa Kỳ thu hồi đặc quyền và quay trở lại thị thực 1 năm trước đó, trừ khi chế độ Trung Quốc ngừng “các hoạt động ác ý” – bao gồm hành động khiêu khích quân sự đối với Đài Loan; đàn áp người Hồng Kông, Người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng; và bắt giữ công dân nước ngoài làm con tin.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn (tiểu bang Tennessee) cho biết: “Trừ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo có hệ thống, Hoa Kỳ không thể đồng lõa bằng cách cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần trong 10 năm cho công dân Trung Quốc. Đạo luật An ninh Thị thực sẽ ngăn chặn ‘cánh cửa quay’ mà ĐCSTQ đã sử dụng trong nửa thập kỷ, và thay vào đó yêu cầu trách nhiệm giải trình trong nỗ lực nhân quyền toàn cầu.”

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (tiểu bang Florida) cũng nhận định, hành động này đáng lẽ phải tiến hành từ lâu rồi. Trung Quốc sẽ không nên nhận được sự đối xử đặc biệt, điều này không phù hợp với mối quan hệ của chúng ta [Mỹ-Trung], cũng như trước các hành vi và hành động thâm hiểm của họ [Trung Quốc] ở Hoa Kỳ.”

Đáng chú ý, chính sách được đề xuất trong dự luật sẽ không ảnh hưởng đến những người đệ đơn xin thị thực từ Đài Loan hoặc Hồng Kông.

Trên thực tế, hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của lưỡng đảng trong những năm gần đây.

Kể từ khi khởi động Sáng kiến ​​Trung Quốc vào năm 2018 nhằm vào hành vi trộm cắp bí mật thương mại do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, Bộ Tư pháp đã truy tố hàng chục cá nhân có liên hệ với Trung Quốc. Riêng năm 2020, các công tố viên Mỹ đã xác định được 6 người che giấu mối quan hệ quân sự với Trung Quốc để đến du học ở Mỹ. Một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp cho biết vào tháng 12/2020, các vụ bắt giữ các sĩ quan quân đội bí mật của Trung Quốc đã khiến hơn 1.000 nhà nghiên cứu thuộc diện như vậy rời khỏi Mỹ.

Các nhà lập pháp cũng muốn đẩy mạnh việc kiểm soát thị thực chặt chẽ hơn, viện dẫn nguy cơ rủi ro rằng các tổ chức nhà nước Trung Quốc có thể lợi dụng chương trình thị thực này nhằm chuyển giao công nghệ hoặc dữ liệu nhạy cảm.

Hồi tháng 2, Dân biểu Cộng hòa Debbie Lesko (tiểu bang Arizona) cũng đề xuất Đạo luật Dừng Trộm cắp Sở hữu trí tuệ của Trung Quốc” (Stop China’s IP Theft Act), trong đó kêu gọi từ chối cấp thị thực cho các quan chức cấp cao và thành viên quân đội Trung Quốc, với mục đích ngăn chặn các nỗ lực đánh cắp tài sản trí tuệ.

Trước đó một tuần, văn phòng của Thượng nghị sĩ Cotton đã công bố một báo cáo, khuyến nghị tạm dừng chương trình thị thực 10 năm và ngăn học sinh Trung Quốc đăng ký vào các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nhạy cảm.

Còn từ tháng 12/2020, Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Trump đã đặt ra các hạn chế về thị thực du lịch hoặc công tác đối với các thành viên ĐCSTQ và gia đình trực hệ của họ, cắt giảm thời gian lưu trú tối đa được phép của họ từ 10 năm xuống còn 1 tháng. Các quan chức cho biết vào thời điểm đó, việc thay đổi này là tất yếu để phù hợp với các chính sách “bảo vệ quốc gia của chúng ta khỏi ảnh hưởng xấu của ĐCSTQ”.

Minh Ngọc

Xem thêm