Bộ trưởng Quốc phòng Litva cho biết vào ngày 5/3, Đức sẽ triển khai lực lượng phòng không và Hoa Kỳ sẽ cử một tiểu đoàn được trang bị xe tăng đến Litva.  

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Quốc phòng Arvydas Anusauskas trả lời các phóng viên của tờ Reuters rằng việc triển khai các lực lượng quân đội cũng bao gồm cả Hà Lan, điều này tách biệt với sự kiện tập trận quân sự mà Litva sẽ tổ chức vào tháng Ba. 

Theo ông Anusauskas, việc triển khai và tập trận sẽ nâng tổng quân số NATO của các quốc gia khác tại Litva từ 3.000 lên 4.000 vào cuối tháng Ba.

Litva đã yêu cầu NATO bổ sung thêm quân lực và thiết bị sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Trước đó vào ngày 4/3, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, cũng cảnh báo rằng châu Âu sẽ phải đối mặt với “một Bức màn sắt (Iron Curtain) mới” khi Anh tiến hành các cuộc diễn tập quân sự do nước này dẫn đầu ở khu vực Biển Baltic, như một lời thách thức chống lại Nga.

Ông Wallace đã gặp những người đồng cấp tại Copenhagen để đánh dấu sự hoạt động của Lực lượng viễn chinh chung (JEF), một liên minh do Vương quốc Anh đứng đầu gồm 10 quốc gia thuộc khu vực phía bắc châu Âu tập trung vào các vấn đề an ninh ở Bắc Cực, Baltic và Bắc Đại Tây Dương.

Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào ngày 24/2, JEF đã tuyên bố “một cuộc tập trận thể hiện quyền tự do đi lại của các quốc gia thuộc JEF.” 

Theo ông Wallace, dưới sự hộ tống của Thụy Điển, Đan Mạch sẽ đến hỗ trợ NATO và triển khai quân đội ở Estonia.

Ông cho biết các động thái này đã gửi một thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin “rằng tất cả chúng tôi đều đứng cạnh nhau, dù có thuộc về NATO hay không, cùng tham gia bằng các giá trị chung của chúng tôi.”

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov cảnh báo về “tình hình khủng khiếp” ở Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế “gửi một tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng rằng những gì chúng ta đang thấy hiện nay là hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

JEF, được thành lập vào năm 2012, bao gồm 8 thành viên NATO là Đan Mạch, Estonia, Iceland, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Vương Quốc Anh, và 2 thành viên không thuộc NATO là Phần Lan và Thụy Điển.

Ông Wallace nói: “Một điều mà tất cả chúng ta đều biết, Tổng thống Putin không thích nhìn thấy nhiều lá cờ quốc tế.”

“Khi ông ấy nhìn thấy Thụy Điển, Phần Lan và các nước NATO ở cạnh nhau, đó là thông điệp mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể gửi đi”.

Vy An (Theo Reuters)