Ngày 22/3, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đã cùng thông qua các biện pháp trừng phạt tổ chức và cá nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, theo đó bị đưa vào danh sách đen có 4 quan chức và 1 tổ chức.

p2523711a72863505
Người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong (Nguồn: Chụp màn hình video)

Thông tin từ Daily Mail (Anh) cho biết Bộ Tài chính Mỹ xác định những người này là “thủ phạm vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng”.

Ngoại trưởng Mỹ Brinken cho biết trong một tuyên bố: “Mỹ một lần nữa kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt đàn áp chủ yếu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các thành viên của các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương, ngoài ra phải trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện trong các trại tạm giam và cơ sở giam giữ”.

Ông cũng nói: “Phản ứng chung xuyên Đại Tây Dương gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới những đối tượng vi phạm hoặc chà đạp nhân quyền quốc tế, chúng tôi sẽ phối hợp với các bên cùng quan điểm để có những hành động tiếp theo. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh trên toàn thế giới, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tội ác [của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], đòi công lý cho vô số người trở thành nạn nhân”.

Thông báo về lệnh chế tài này diễn ra ngay sau cuộc hội đàm giữa các quan chức Mỹ và ĐCSTQ tại Anchorage – Alaska vào ngày 18 và 19. Tại cuộc họp này, các quan chức Mỹ và Bắc Kinh đã công khai tranh cãi.

Ngày 22/3 trả lời câu hỏi truyền thông rằng liệu giọng điệu của cuộc họp có thúc đẩy một quyết định trừng phạt hay không, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã trả lời: “Đây là phản ứng đối với những gì chúng tôi tin là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, rõ ràng là người châu Âu cũng cảm thấy điều này, đối với các thành viên dân tộc thiểu số và tôn giáo thiểu số ở Tân Cương, bất kỳ cuộc họp nào cũng sẽ không thay đổi mối quan ngại của chúng tôi về điều đó”.

Mục tiêu của EU là 4 quan chức cấp cao ở Tân Cương. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã cáo buộc Bắc Kinh “vi phạm nhân quyền ở mức đáng kinh ngạc đối với các quyền cơ bản nhất của con người”, ngoài lệnh trừng phạt đối với Cục Công an thuộc Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương cũng trừng phạt các quan chức ĐCSTQ gồm Trần Minh Quốc (Chen Mingguo), Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), Vương Quân Chính (Wang Junzheng), và Chu Hải Luân (Zhu Hailun). Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản của các quan chức này và cấm họ đi lại trong EU, các công dân và công ty của EU không được phép cung cấp hỗ trợ tài chính cho họ.

EU cũng đã phong tỏa tài sản của Cục Công an thuộc Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, mà EU mô tả là “nền kinh tế quốc doanh và tổ chức bán quân sự” chịu trách nhiệm quản lý Tân Cương và kiểm soát nền kinh tế Tân Cương.

Ông Raab cho biết các biện pháp này là một phần của “hàng loạt chính sách ngoại giao” của Anh, Mỹ, Canada và 27 nước EU, mục tiêu là buộc EU phải hành động khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các quyền của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị xâm phạm nghiêm trọng.

Ban đầu, ĐCSTQ phủ nhận sự tồn tại của các trại dành cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nhưng sau đó thừa nhận và mô tả đó là những trung tâm giáo dục và đào tạo việc làm cho những người theo tư tưởng “thánh chiến” cực đoan, bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Tân Cương đã từng là một điểm nóng của bạo lực chống chính phủ, nhưng chính quyền Bắc Kinh biện bạch hoạt động trấn áp an ninh quy mô lớn của họ đã mang lại hòa bình trong những năm gần đây. Bộ Ngoại giao ĐCSTQ lên án lệnh trừng phạt của EU là “dựa trên những lời nói dối và thông tin sai lệch”.

Ngay lập tức Bắc Kinh cũng đáp trả hành động của EU bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức của EU, cho rằng họ làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và “tung tin dối trá đầy ác ý”.

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã công bố lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 tổ chức, tuyên bố rằng họ và gia đình sẽ bị cấm vào Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông hoặc Ma Cao, và cắt đứt liên hệ tài chính với những khu vực này.

Những người bị trừng phạt bao gồm Adrian Zenz, một học giả người Đức cư trú tại Mỹ, ông là người đã công khai lên tiếng các vụ lạm dụng đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương của Trung Quốc.

ĐCSTQ tuyên bố rằng từng có công ty và cá nhân thúc đẩy kiện ông Zenz, nhưng không thấy nêu rõ nguyên đơn là ai và họ sẽ thực hiện các hành động pháp lý xuyên biên giới như thế nào.

Các mục tiêu trừng phạt khác của ĐCSTQ bao gồm 5 thành viên Nghị viện châu Âu: Reinhard Butikofer, Michael Gahler, Raphael Glucksmann, Ilhan Kyuchyuk, và Miriam Lexmann.

Bộ Ngoại giao ĐCSTQ không cho biết đối với các tổ chức sẽ thực hiện biện pháp trừng phạt như thế nào.

Các tổ chức mà ĐCSTQ trừng phạt được liệt kê gồm: Ủy ban Chính trị và An ninh của Hội đồng EU (Political and Security Committee), là cơ quan dành cho các đặc phái viên của 27 nước làm nhiệm vụ xây dựng các chính sách đối ngoại và an ninh; Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Mercator Institute for China Studies) có trụ sở tại Đức, và Quỹ Liên minh các nền dân chủ (Alliance of Democracies Foundation) ở Đan Mạch.

Ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU và là người chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng, bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng của ĐCSTQ và nói rằng các biện pháp trừng phạt của EU tôn trọng “tiêu chuẩn pháp trị tối cao”. Ông nói, “Trung Quốc đã không thay đổi chính sách, không giải quyết quan tâm hợp lý của chúng tôi, nhưng một lần nữa nhắm mắt làm ngơ, những biện pháp này là đáng tiếc và không thể chấp nhận được”.

Ông nói thêm: “Quyết tâm của EU sẽ không thay đổi trong việc bảo vệ nhân quyền và phản ứng lại các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng… Hành động phối hợp giữa EU, Anh, Canada và Mỹ là hoàn hảo”.

Cơ chế trừng phạt mới của EU tương tự như Đạo luật Magnitsky, đây là luật từ thời cựu Tổng thống Obama cho phép Chính phủ Mỹ xử phạt những bên mà họ cho là vi phạm nhân quyền bằng cách đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: