Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden đã tiết lộ rằng Mỹ tin những vụ phóng vũ khí gần nhất của Triều Tiên có liên quan đến công nghệ được sử dụng cho những vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong thời gian tới.

Vị quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết hai vụ phóng vũ khí vào ngày 26/2 và 5/3 vừa qua mà Triều Tiên tuyên bố là một phần của chương trình vệ tinh thực sự “liên quan đến hệ thống tên lửa xuyên lục địa mới Bình Nhưỡng đang phát triển”.

Vị quan chức Mỹ nói rằng hệ thống tên lửa mới mà Triều Tiên họi là Hwasong-17 đã được nước này trưng ra trong cuộc diễu binh vào tháng 10/2020 và tại triển lãm quốc phòng hồi tháng 10/2021.

Vị quan chức cấp cao của chính quyền Biden cũng đã kêu gọi Trung Quốc và Nga hãy kiềm chế tham vọng tên lửa của Triều Tiên.

Trong một tuyên bố gửi Newsweek, vị quan chức của chính quyền Biden nói: “Chúng ta vẫn đang trong những giai đoạn đầu của tiến trình tham vấn về vấn đề này. Các quốc gia, đặc biệt những nước có chung đường biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên [DPRK], nên quan ngại về những diễn biến mới này”.

Vị quan chức của chính quyền Biden nói thêm rằng quyết định quay lại thử ICBM của Triều Tiên rõ ràng là leo thang. Trung Quốc và Nga nên gửi một thông điệp mạnh mẽ tới đối tác Triều Tiên của họ để kiềm chế những hành vi khiêu khích thêm nữa và hãy tham gia vào các hoạt động ngoại giao thực chất.

Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby sau đó cũng đã góp tiếng nói về vấn đề này, đồng điệu với quan điểm của vị quan chức cấp cao của Nhà Trắng.

Mặc dù DPRK lựa chọn không công khai thông tin về những hệ thống liên quan đến các vụ phóng này, nhưng Mỹ sẽ tiết lộ công khai thông tin đó và chia sẻ thông tin đó với các đồng minh và đối tác khác bởi vì chúng tôi tin rằng cộng đồng quốc tế phải nói cùng tiếng nói nhằm phản đối DPRK phát triển và phổ biến thêm nữa những loại vũ khí như vậy”, ông Kirby nói.

Mỹ cực lực lên án những vụ phóng như này vốn đã vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm gia tăng mâu thuẫn không cần thiết và gây ra rủi ro mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực”, ông Kirby nói thêm.

Tổng thống tân cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nói rằng ông sẽ tiếp tục nỗ lực của người tiềm nhiệm Moon Jae-in trong việc tái khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên, nhưng chính trị gia của Đảng Quyền lực Nhân dân cánh hữu này cũng bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với nhà nước láng giềng có vũ khí hạt nhân, cũng như tìm cách thúc đẩy sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và đẩy mạnh mối quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Chúng tôi sẽ ứng phó với cách hành xử vô luật và phi lý của Triều Tiên một cách cứng rắn theo các nguyên tắc, nhưng cũng để mở cho các cuộc đối thoại vào mọi lúc”, ông Yoon nói với báo giới hôm 10/3.

Theo một quan chức Nhà Trắng, Bộ Tài Chính Mỹ vào ngày 11/3 sẽ loan báo các chế tài mới áp lên Triều Tiên để ngăn chặn nước này “tiếp cận công nghệ nước ngoài giúp phát triển chương trình vũ khí”.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nói rằng ông sẽ hợp tác cùng tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol để tăng cường các mối quan hệ ba bên Nhật-Hàn-Mỹ nhằm đáp trả mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Triều Tiên.

Ông Kishida nói với báo giới sau khi điện đàm với ông Yoon rằng Nhật Bản cũng đang cân nhắc áp đặt các chế tài bổ sung lên Triều Tiên, cũng như xem xét các lựa chọn ngoại giao khác.

Như Ngọc (T/h)