Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm thứ Ba kêu gọi các nước đứng lên bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và tự do hàng hải ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa), đối kháng với thách thức của Trung Quốc. Bà cũng tuyên bố, Washington sẽ thúc đẩy một chiến dịch quốc tế chống lại “hành vi vô trách nhiệm” ở vùng biển tranh chấp.

Embed from Getty Images

Bà Harris không nêu đích danh Trung Quốc nhưng rõ ràng là ám chỉ Bắc Kinh khi nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh hiệp ước Philippines “khi đối mặt với sự đe dọa và cưỡng ép ở Biển Đông”.

Phó Tổng thống Mỹ đã có bài phát biểu trên một tuần dương hạm của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cập cảng Puerto Princesa ở tỉnh đảo Palawan phía Tây, nằm ở rìa vùng biển tranh chấp. Chuyến thăm mang tính biểu tượng này là chặng cuối của chuyến thăm hai ngày bắt đầu tại Manila hôm thứ Hai (21/11) với cuộc hội đàm với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Khi liệt kê những lợi ích sâu sắc đối với Mỹ và cộng đồng quốc tế trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, bà kêu gọi nỗ lực sâu rộng đấu tranh cho thông thoáng thương mại, tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển tranh chấp.

“Chúng ta phải ủng hộ các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình,” bà Harris nhấn mạnh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các đồng minh và đối tác chống lại hành vi bất hợp pháp và vô trách nhiệm”, bà nói. “Khi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bị đe dọa ở đâu đó, nó sẽ bị đe dọa ở mọi nơi”.

Một cuộc đối đầu mới đã nổ ra trước chuyến thăm của bà tới Palawan khi hải quân Philippines cáo buộc một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã dùng vũ lực thu giữ các mảnh vỡ tên lửa của Trung Quốc khi các thủy thủ Philippines đang kéo nó đến một hòn đảo do Philippines kiểm soát.

Ông Marcos Jr. nói với các phóng viên mặc dù không đi vào chi tiết rằng, ông có ý định gửi công hàm phản đối tới Trung Quốc về vụ việc. Ông cũng muốn làm rõ vụ việc tại sao Trung Quốc phủ nhận việc họ dùng vũ lực thu giữ các mảnh vỡ.

Tranh chấp trên biển kéo dài này liên quan đến Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei – được coi là một điểm nóng ở châu Á và là một đường đứt gãy mong manh trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.

Trong cuộc hội đàm với ông Marcos Jr. hôm thứ Hai, bà Harris tái khẳng định cam kết của Washington bảo vệ Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, hiệp ước này buộc các đồng minh phải giúp bảo vệ bên nào bị tấn công.

Bà Harris nói với ông Marcos Jr: “Một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết Phòng thủ chung của Hoa Kỳ”.

Ông Marcos Jr. cảm ơn bà Harris, hồi đáp rằng với những biến động trong khu vực và hơn thế nữa, “sự hợp tác này càng trở nên quan trọng hơn”.

Tại thành phố chính Puerto Princesa của Palawan, bà Harris đã đến thăm một cộng đồng đánh cá nhỏ và trò chuyện với những người dân làng nghèo khó về tác động của việc đánh bắt cá bất hợp pháp đối với sinh kế của họ. Bà được chào đón bởi những đứa trẻ nhảy múa và trò chuyện với những người phụ nữ đang phơi cá dưới nắng bên bờ biển. “Đây là quà lưu niệm của tôi”, bà nói đùa với một trong những người phụ nữ khi cầm một con cá. Dân làng tự hào nói đùa rằng Phó Tổng thống có thể mang tất cả sản phẩm của họ về nhà.

Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 7,5 triệu USD viện trợ cho các cơ quan hành pháp hàng hải của Philippines để tăng cường năng lực chống đánh bắt trái phép, thực hiện giám sát biển và hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, bao gồm cả ở Biển Đông, theo một tuyên bố của văn phòng của bà Harris.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ bổ sung của Hoa Kỳ để nâng cấp hệ thống quản lý giao thông tàu thuyền nhằm đảm bảo an toàn tốt hơn trên biển. Philippines hiện cũng đang nhận dữ liệu giám sát theo thời gian thực để có thể phát hiện và chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển trong một dự án của Đối thoại An ninh Tứ giác, một khối chiến lược không chính thức có sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, theo văn phòng của bà Harris.

Mặc dù Hoa Kỳ không đưa ra yêu sách nào đối với tuyến đường thủy chiến lược, nơi ước tính có khoảng 5 nghìn tỷ đô-la thương mại toàn cầu được vận chuyển mỗi năm, nhưng Hoa Kỳ đã nói rằng tự do hàng hải và hàng không là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Hồi tháng 3, Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc John C. Aquilino nói với hãng tin AP rằng Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba trong số một số hòn đảo mà nước này xây dựng trong vùng biển tranh chấp và trang bị cho chúng các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, các thiết bị laser và gây nhiễu, trong một động thái ngày càng hung hăng đe dọa tất cả các quốc gia hoạt động gần đó.

Trong vụ việc hôm 20/11 ở Trường Sa, khu vực tranh chấp gay gắt nhất, Phó Đô đốc Alberto Carlos, chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Tây của quân đội Philippines cho hay, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã hai lần chặn một tàu dân sự do nhân viên hải quân Philippines điều khiển trước khi thu giữ các mảnh vỡ mà nó đang kéo đi khỏi đảo Thị Tứ.

Trung Quốc phủ nhận có việc cưỡng chế thu giữ và cho biết mảnh vỡ mà họ xác nhận là từ một vụ phóng tên lửa gần đây của Trung Quốc, đã được lực lượng Philippines bàn giao sau một “cuộc tham vấn hữu nghị”.

Trước đây, các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã chặn các tàu tiếp tế của Philippines cung cấp hàng tiếp tế cho các lực lượng Philippines trong vùng biển tranh chấp nhưng việc chiếm giữ các vật thể thuộc sở hữu của quân đội một quốc gia khác sẽ cấu thành một hành động trơ ​​trẽn hơn.

Trung Quốc đã cảnh báo Washington không can thiệp vào cái mà họ gọi là tranh chấp châu Á và nói rằng các cuộc tuần tra và tập trận chiến đấu của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ trong vùng biển tranh chấp là quân sự hóa Biển Đông.

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết trọng tài năm 2016 vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Bắc Kinh trên cơ sở lịch sử ở Biển Đông. Trung Quốc đã bác bỏ quyết định này.

Thiên Đức (Theo VOA)