Hôm 4/10, Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai tuyên bố sẽ nới lỏng một số thuế quan từ thời Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời thúc ép Bắc Kinh tiến hành các cuộc đàm phán “thẳng thắn” nhằm chấm dứt các hành vi thương mại không công bằng.

Embed from Getty Images

Trong những thập kỷ gần đây, Bắc Kinh đã rót hàng tỷ đô la trợ cấp của nhà nước vào các ngành công nghiệp trọng điểm như thép, năng lượng mặt trời và nông nghiệp, khiến nhiều nhà máy của Mỹ phải đóng cửa và dẫn đến “tổng bằng 0 trong nền kinh tế thế giới”, bà Katherine Tai nói trong Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington tổ chức.

“Trên hết, chúng ta phải bảo vệ đến cùng lợi ích kinh tế của chúng ta,” bà nói tại sự kiện và giải thích rằng bà sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các thiệt hại trong nhiều năm qua do cạnh tranh không lành mạnh. 

Tai cho biết văn phòng của bà đã tiến hành đánh giá toàn diện về thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” mà Hoa Kỳ đã ký với Trung Quốc vào năm ngoái dưới thời chính quyền Trump. Bà dự kiến ​​sẽ có một cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, để thảo luận về việc Trung Quốc đáp ứng các thỏa thuận này đến đâu.

Bà nói rằng Washington sẽ bắt đầu một “quy trình loại trừ thuế quan có mục tiêu” để miễn một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc khỏi các mức thuế trừng phạt của Hoa Kỳ, ngoài ra trong tương lai cũng có thể loại bỏ thêm đối với các mặt hàng khác. 

Trong khi không đề cập đến việc liệu Trung Quốc có thực hiện các cam kết của mình trong thỏa thuận hay không, bà Tai nói rằng “quan trọng nhất là chúng ta phải đối phó với Trung Quốc”.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết dưới thời chính quyền Trump yêu cầu Trung Quốc mua thêm hàng hóa và dịch vụ trị giá 200 tỷ USD của Mỹ trong giai đoạn hai năm 2020 và 2021. Phân tích dữ liệu thương mại Trung Quốc của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy Trung Quốc đáp ứng khoảng 58% cam kết mua hàng vào năm 2020 và 69% tính đến tháng 8 năm 2021.

Thỏa thuận này cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc cải thiện các biện pháp bảo vệ đối với một số tài sản trí tuệ của Mỹ và cho phép các công nghệ sinh học nông nghiệp và dịch vụ tài chính của Mỹ tiếp cận thị trường.

Trong khi thừa nhận vai trò của thỏa thuận thương mại trong việc ổn định thị trường, bà chia sẻ sự dè dặt về thỏa thuận, nói rằng nó không giải quyết các hoạt động thương mại lấy nhà nước làm trung tâm và phi thị trường của Trung Quốc.

Bà Tai chỉ ra rằng bà sẽ không loại trừ việc áp đặt các mức thuế mới để buộc Trung Quốc thực hiện tốt cam kết của mình.

Lịch sử lạm dụng thương mại

Mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc theo truyền thống tập trung vào việc đảm bảo tiếp cận thị trường với Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận đó đã xung đột với thực tế ở quốc gia cộng sản ngày nay, theo bà Tai.

Kể từ khi chế độ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 12 năm 2001, Hoa Kỳ đã có ba thế hệ liên tiếp làm việc với Bắc Kinh thông qua các cuộc đối thoại chiến lược cấp cao để đảm bảo rằng Bắc Kinh tuân thủ các quy định của WTO. Tuy nhiên, việc tuân thủ của Trung Quốc là không nhất quán và không thể thực thi, bà Tai nói. Bà từng liên quan tới một số trong 27 vụ kiện giải quyết tranh chấp của WTO chống lại Trung Quốc.

Bà nói: “Ngay cả khi Trung Quốc thay đổi các thực tiễn cụ thể mà chúng tôi đã nêu lên, họ không thay đổi các chính sách cơ bản và những cải cách có ý nghĩa của Trung Quốc vẫn khó nắm bắt.”

Cùng với Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, bà Tai tin rằng việc tách rời với Trung Quốc không phải là “kết quả thực tế đối với nền kinh tế toàn cầu của chúng ta”. Thay vào đó, Washington sẽ theo đuổi lộ trình “chung sống lâu bền” với Bắc Kinh, bà nói.

“Mục tiêu của chúng tôi là không làm tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc”, bà nói, xác định mục tiêu của chính quyền là “tái kết hợp” hoặc có thương mại với Trung Quốc nhưng không rơi vào tình trạng phụ thuộc.

“Trung Quốc là một bên tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, và đó là một trong những vấn đề mà chúng tôi chưa giải quyết được. Tôi không nghĩ rằng có một con đường để giải quyết những vấn đề đó mà không cần đối thoại trực tiếp với Trung Quốc và trao đổi trực tiếp với Trung Quốc”.

Bà nói, chính quyền cũng đang xem xét các biện pháp để khuyến khích các công ty “mua hàng Mỹ từ đầu đến cuối trong chuỗi cung ứng”, đồng thời hợp tác với các đồng minh cùng chí hướng để hình thành các quy tắc cho thương mại công bằng.

Hoa Kỳ sẽ không theo đuổi các cuộc đàm phán “giai đoạn hai” với Trung Quốc về các vấn đề cơ cấu sâu hơn, chẳng hạn như trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp quan trọng làm ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, bởi vì Bắc Kinh đang “tăng gấp đôi cách tiếp cận nhà nước độc tài làm trung tâm,” các quan chức chính quyền cấp cao cho biết ngày 3/10.

Ông Claude Barfield, cựu cố vấn của văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington, lưu ý rằng bà Tai đã không đi vào chi tiết cụ thể, và điều này cho thấy chính quyền Biden vẫn đang tiếp tục xem xét cần triển khai chính sách thương mại như thế nào.  

Ông nói với The Epoch Times: “Chính quyền Biden đang cố gắng phân biệt các chính sách của mình với các chính sách của Tổng thống Donald Trump, nhưng cho đến nay họ vẫn đang thực hiện phần lớn những gì mà chính quyền Trump đã đưa ra.” Ví dụ: bà Tai không cam kết tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp ước thương mại mà ông Trump ra rút Hoa Kỳ ra.

Ông nói, chính quyền Biden cũng không có khả năng cắt giảm thuế thép và nhôm do sự cản trở có thể thấy trước từ các tổ chức công đoàn.

Trong khi đó, bà Tai phải đối mặt với những trở ngại lớn phía trước trong việc cố gắng hạn chế danh sách các vụ lạm dụng thương mại mà bà nêu rõ từ Bắc Kinh, theo Barfield.

Vì WTO đưa ra quyết định theo sự đồng thuận, nên Bắc Kinh có thể phủ quyết các quy tắc mới mà Washington tìm cách thông qua để kiểm soát chế độ, ông nói.

Làm việc với các đồng minh cũng có thể sẽ đi kèm với những thách thức riêng.

Trong phiên thảo luận, bà Tai né tránh một câu hỏi về cách bà sẽ dung hòa việc thực thi các cam kết mua hàng của Trung Quốc với Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nó đối với các đồng minh, vì Bắc Kinh đã hủy nhập khẩu lúa mạch từ Úc khi họ tăng cường mua hàng từ Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng không thể khiến một số quốc gia châu Âu, cụ thể là Pháp và Đức, “thực hiện chính sách trả đũa thực sự mạnh mẽ,” ông Barfield nói. “Chính quyền đang tự mắc kẹt khi nói rằng họ thực sự sẽ làm việc với các đồng minh về Trung Quốc. Chúc may mắn với điều đó,” ông nhận xét.

Xuân Lan (theo Epoch Times)

Xem thêm: