Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc vì vi phạm thỏa thuận đã bị chính phủ Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, dẫn đến việc công ty gần như bị ngừng hoạt động, hiện nay chính phủ Trump đã cho ZTE một lối thoát nhưng phải trả mức tiền phạt 1 tỷ Đô la Mỹ (USD) và phải chi 400 triệu USD tiền ký quỹ bảo đảm. Đồng thời, ZTE sẽ phải tuân thủ nguyên tắc khác là thay thế toàn ban lãnh đạo dưới sự giám sát của chính phủ Mỹ. Những thông tin liên quan đã thu hút một số tranh luận.

zte
Ảnh từ Getty Images

ZTE trả 1,4 tỷ USD tiền phạt gây tranh cãi

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross cho biết, sáng ngày 07/6 chính phủ Trump đã ký một thỏa thuận với ZTE, theo đó, ngoài đồng ý cho ZTE trả tiền phạt 1 tỷ USD, đội ngũ kinh doanh của ZTE cũng sẽ tham gia vào Ban Tuân thủ Pháp luật do Mỹ tuyển chọn. ZTE cũng sẽ gửi 400 triệu USD cho bên thứ ba là một công ty quản lý tài chính của Mỹ để đảm bảo nếu trong tương lai tái phạm thì chính phủ Mỹ sẽ thu 400 triệu USD này.

Sau khi vấn đề này được công bố, ngay lập tức dư luận đã có nhiều bàn cãi sôi nổi.

Một số người cho rằng ZTE nộp số tiền phạt quá lớn; cũng có người cho rằng ZTE hòa giải với Mỹ là làm nhục Trung Quốc; cũng có những người cho rằng chính phủ Mỹ cho người đóng quân tại ZTE là sự can thiệp của chính phủ.

Nhưng trên thực tế, đây không phải lần đầu ZTE lừa dối Mỹ.

ZTE đã từng vi phạm thỏa thuận

Cuộc điều tra của Mỹ đối với ZTE đã bắt đầu từ năm 2012.

Vào tháng 6/2010, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết về vấn đề hạt nhân của Iran, đã đưa ra lệnh cấm vận vòng thứ tư chống lại Iran. Sau đó, Mỹ đã đơn phương tuyên bố việc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu đối với Iran, trong đó bao gồm cả hai loại linh kiện quân sự và dân sự do Mỹ sản xuất.

Năm 2012, ZTE đã mua sản phẩm công nghệ từ các công ty Mỹ như Microsoft, Cisco, sau đó bán lại cho công ty viễn thông của nhà nước Iran, trong đó bao gồm hệ thống giám sát quy mô lớn để giám sát mạng internet và điện thoại trên toàn quốc của Iran, tổng giá trị hợp đồng hơn 100 triệu USD. Động thái này đã vi phạm lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ đối với Iran, vì thế đã bị Bộ Thương mại Mỹ điều tra.

Vào tháng 3/2016, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo rằng bất kỳ công ty nào của Mỹ bán sản phẩm nào cho ZTE đều phải xin phép thông qua mới được. Sau đó, hai bên đã triển khai chương trình đàm phán kéo dài đến một năm.

Tháng 3/2017, ZTE nhận tội vì xuất khẩu bất hợp pháp sản phẩm của Mỹ cho Bắc Triều Tiên và Iran, và đã đạt được một thỏa thuận giải quyết với Mỹ, đồng ý trả 1,2 tỷ USD. ZTE cũng hứa sẽ trừng phạt những nhân viên đã được xác nhận tham gia vào việc bán thiết bị bị cấm vận cho Iran.

Tuy nhiên, khi điều tra, Mỹ đã phát hiện ZTE không giữ lời hứa, không những không trừng phạt những nhân viên và giám đốc điều hành, trái lại còn thưởng cho nhân viên tham gia vào các hành vi bất hợp pháp.

Do đó, ngày 16/4 năm nay Bộ Thương mại Mỹ đã công bố lệnh cấm ZTE mua các sản phẩm công nghệ của Mỹ trong 7 năm.

Tại thời điểm này, ZTE không chỉ dừng việc sản xuất tại các nhà sản xuất chuỗi cung ứng thượng và hạ nguồn, thậm chí nhân viên cũng phải ào ào “nghỉ phép”. Sau đó, phía Trung Quốc đã đến thăm ông Trump để giúp ZTE khôi phục kinh doanh, và ông Trump cũng chỉ thị Bộ Thương mại Mỹ nghiên cứu các giải pháp thay thế.

ZTE tham gia vào các hoạt động gián điệp

Mặc dù ông Trump cố gắng giúp ZTE để tiếp tục hoạt động, nhưng cuối tháng trước tờ truyền thông tài chính Úc có uy tín là “Bình luận Tài chính Úc” (Australian Financial Review) đã tiết lộ một trong những mục tiêu thành lập nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc là làm gián điệp. Thông tin này đã gây chấn động.

BBC của Anh chỉ ra, sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm, Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC) dưới sự quản lý của chính phủ Anh, đã nhắc nhở các nhà cung cấp viễn thông trong nước rằng sử dụng thiết bị và dịch vụ ZTE có thể là “nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Sau khi hai nước Mỹ và Anh bày tỏ quan điểm, Bộ Nhập cư và Bảo vệ Biên giới Úc cũng cho biết họ sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với ZTE.

Trí Đạt

Xem thêm: