Ngày 6/7, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt hàng loạt công ty của Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cùng nhiều công ty khác mà họ cáo buộc đã giúp cung cấp và bán sản phẩm hóa dầu và dầu mỏ của Iran sang Đông Á, gây áp lực lên Tehran khi nước này tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA).

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Iran
(Ảnh: J_UK/Shutterstock)

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các cá nhân và tổ chức này đã sử dụng mạng lưới các công ty bình phong có trụ sở tại Vùng Vịnh để thực hiện việc phân phối và bán hàng trăm triệu USD các sản phẩm từ các công ty Iran đến Trung Quốc và các nơi khác ở Đông Á.

Washington càng ngày càng nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc hơn là xuất khẩu hóa dầu của Iran khi triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân bị suy yếu

Tuần trước tại Doha, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington đã kết thúc mà không có tiến triển về cách cứu vãn thỏa thuận, mà theo đó Iran phải kiềm chế chương trình hạt nhân của mình.

“Trong khi Hoa Kỳ cam kết đạt được một thỏa thuận với Iran trong việc quay trở lại tuân thủ (thỏa thuận hạt nhân năm 2015), chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các quyền hạn mình để thực thi các biện pháp trừng phạt đối với việc bán xăng dầu và hóa dầu của Iran,” ông Brian Nelson, Bộ trưởng Bộ Tài chính phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính nhấn mạnh.

Một trong số các công ty bị Bộ Tài chính Mỹ nhắm tới là Công ty Hóa dầu Jam có trụ sở tại Iran. Mỹ cáo buộc công ty này xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu cho các công ty khắp Đông Á, nhiều sản phẩm trong số đó được bán cho một công ty bị Mỹ trừng phạt để vận chuyển sang Trung Quốc. Hiện công ty Hóa dầu Jam vẫn chưa đưa ra bình luận gì.

Cùng bị nhắm mục tiêu còn có công ty Edgar Commercial Solutions FZE có trụ sở tại UAE, với cáo buộc mua và xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu từ các công ty Iran bị trừng phạt để vận chuyển sang Trung Quốc. Washington khẳng định, công ty này đã sử dụng công ty bình phong Lustro Industry Limited có trụ sở tại Hồng Kông để che giấu vai trò của mình trong việc mua số lượng lớn các sản phẩm hóa dầu.

Ngoài ra, còn có công ty TNHH Hóa dầu Triliance có trụ sở tại Hồng Kông, lợi dụng công ty Ali Almutawa Petroleum and Petrochemical Trading L.L.C. làm bình phong.

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trong hai năm qua đã mua một lượng lớn dầu của Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Dầu mỏ là mạch máu của nền kinh tế Iran và hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã giúp Tehran tiếp tục phát triển.

Ông Brian O’Toole, một cựu quan chức Bộ Tài chính nhận thấy, Iran rõ ràng là miễn cưỡng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, và ông hy vọng Washington sẽ nhằm vào Trung Quốc nhiều hơn.

Ông bày tỏi: “Tôi nghĩ cần phải gửi thông điệp tới Bắc Kinh: chừng nào Iran không thực hiện các điều khoản JCPOA một cách nghiêm túc, thì các vị cần phải ngừng nhập khẩu dầu của Iran.”

Ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng tuyên bố nhắm mục tiêu vào một công ty Việt Nam là Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc và Công ty Everwin Ship Management Pte Ltd có trụ sở tại Singapore, vì tham gia vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ của Iran. Ba công ty có trụ sở tại Iran cũng bị nhắm mục tiêu trong lần trừng phạt này.

Minh Ngọc (Theo Reuters)